Chuyên gia phân tích thời điểm "vàng" của Hội nghị Cấp cao ASEAN 37

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo giới chuyên gia phân tích, thời điểm diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 năm nay có nhiều điểm thuận lợi và đặc biệt, mở ra nhiều khả năng đạt thành tựu quan trọng.

Thời điểm đặc biệt
Nhìn lại những gì diễn ra từ đầu năm tới nay, có thể nói năm 2020 là năm biến động rất mạnh. Năm 2020 đã bị gián đoạn nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Đây là thách thức đối với Việt Nam khi quốc gia Chủ tịch ASEAN phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch Covid-19.
Giữa bối cảnh đó, TS Nicholas Chapman, chuyên gia nghiên cứu an ninh quốc tế và chính trị của các nước châu Á - Thái Bình Dương khẳng định, sự kiện Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 giúp củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các cuộc thảo luận khu vực và tái khẳng định các cam kết cốt lõi của khối như tìm kiếm tăng trưởng kinh tế và duy trì luật pháp quốc tế.
Ông Nicholas Chapman.
Chia sẻ thêm, ông Nicholas gợi lại thời điểm một năm trước, vai trò của Hội nghị từng bị nghi ngờ khi Ấn Độ vừa thông báo rút khỏi các cuộc đàm phán RCEP, và vắng mặt tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng hiện nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại chưa ngã ngũ cùng kết quả cuộc bầu cử Mỹ vừa qua đã tạo thêm động lực cho sự kiện năm nay.
“Covid-19 đã bộc lộ những điểm yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các quốc gia phải tìm cách đa dạng hóa nguồn cung.  Điều này cần được thực hiện một cách đa phương và liên quan đến sự gắn kết sâu rộng giữa các khu vực và khối thương mại. ASEAN từ lâu đã chuyên về lĩnh vực này. Hội nghị ASEAN 37 sẽ tái khẳng định cam kết này”, TS Nicholas Chapman chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị.
Hội nghị thượng đỉnh cũng diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản và Mỹ - hai quốc gia lớn trong khu vực có sự thay đổi trong chính quyền. Nhật Bản, dưới thời Thủ tướng Yoshihide Suga, sẽ tiếp tục con đường gắn kết chủ động với khu vực. Ông Suga sẽ tiếp tục các chính sách của người tiền nhiệm và thậm chí có thể có đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
Mặt khác, ông Joe Biden vốn theo chủ nghĩa đa phương hơn ông Donald Trump và đã tìm cách trấn an các đồng minh của Mỹ rằng họ sẽ tham gia nhiều hơn vào khu vực. Mặc dù lập trường cứng rắn của Trump đối với Trung Quốc tương đối thành công, Biden có thể sẽ cung cấp một cành ô liu cho Trung Quốc khi nước này tìm cách giảm căng thẳng. Điều này sẽ có lợi cho các nước ASEAN. Nó sẽ cho phép ASEAN khẳng định lại các nguyên tắc cơ bản của mình và giúp ASEAN tiến tới một nỗ lực phối hợp hơn để đối phó với đại dịch Covid-19.  
Những kỳ vọng lớn
Từ những điểm đặc biệt của bối cảnh diễn ra có thể thấy Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 đón nhận sự quan tâm to lớn từ  cộng đồng quốc tế và hướng đến những thành quả quan trọng. 
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng - trưởng SOM ASEAN của Việt Nam
Cụ thể, về văn kiện của hội nghị, dự kiến các nhà lãnh đạo sẽ thông qua, ghi nhận, công bố hơn 80 văn kiện tại hội nghị lần này, là số lượng văn kiện nhiều nhất từ trước tới nay. Trong số hơn 80 văn kiện này, đáng chú ý có các văn kiện quan trọng là đề xuất của nước Chủ tịch Việt Nam và được các nước ASEAN và các đối tác ủng hộ như Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN+3 về Tăng cường năng lực tự cường kinh tế-tài chính trước các thách thức nổi lên; Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo EAS kỷ niệm 15 năm hình thành Cấp cao Đông Á và Tuyên bố EAS về Hợp tác biển bền vững.
Chia sẻ trong họp báo trước thềm sự kiện ngày 9/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, nhận định, Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan là kỳ hội nghị quan trọng nhất trong năm 2020. Thành công của các hội nghị lần này sẽ đánh dấu thành công của cả năm ASEAN 2020.
Các kết quả của việc chuẩn bị của cả năm sẽ được thể hiện thông qua Hội nghị lần này. Một trong những điểm thu hút sự chú ý tại sự kiện lần này là việc bàn thảo và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Mất nhiều năm để đàm phán, thương lượng, RCEP có tầm quan trọng, ý nghĩa lớn đối với khu vực, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay thế giới chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng. Việc ký kết Hiệp định RCEP sẽ tạo sức bật, cú hích mới cho sự phát triển thương mại trong khu vực và giữa các nước tham gia ký kết Hiệp định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần