Chuyên gia Việt: Trung Quốc sẽ tổn thất nặng hơn trong chiến tranh thương mại

Tú Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là trao đổi của TS Phạm Sỹ Thành, Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) về những diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gần đây.

Theo ông, việc Trung Quốc và Mỹ liên tiếp tuyên bố áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu của nhau gần đây có thực sự sẽ gây ra một cuộc chiến thương mại hay còn có mục đích khác?
- Việc giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước với con số 375 tỷ USD/năm xuống mức 100 tỷ USD là điều bất khả thi, nhất là trong bối cảnh thương mại và sản xuất đều đã được toàn cầu hoá. Chưa kể việc thu được 15 tỷ USD tiền thuế từ các mặt hàng bị áp thuế suất mới cũng chỉ chiếm 2,5% quy mô thương mại hai chiều Mỹ - Trung. Đằng sau những căng thẳng thương mại này còn có câu chuyện khác. 
Trước hết, như Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, các việc ông đang làm là để “thực hiện các lời hứa khi tranh cử”, trong đó có lời hứa về tạo dựng quan hệ thương mại công bằng hơn với Trung Quốc.
 TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES), Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).
Thứ hai, căng thẳng thương mại có thể chỉ là cái cớ để Mỹ chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh kế tiếp trong tương lai gần, khi mà bằng việc mua hoặc “chiếm đoạt” công nghệ Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành “đối thủ cạnh tranh chiến lược” của Mỹ. Nếu nhìn vào danh mục các hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc lần này có thể thấy Mỹ sẽ đánh thuế đối với màn hình cảm ứng, thép tấm nguyên liệu, máy móc thiết bị y tế, linh phụ kiện máy bay, pin và một số hàng hoá khác. Những mặt hàng này đều phù hợp với các ngành mà Mỹ muốn đảm bảo ưu thế trước Trung Quốc.
Những tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo cho Trung Quốc sức cạnh tranh rất lớn trên thị trường toàn cầu. Chẳng hạn, Huawei đã vượt qua Nokia và Ericsson để trở thành hãng sản xuất thiết bị thông tin viễn thông lớn nhất thế giới và cũng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Samsung, Qualcomm trong lĩnh vực phát triển mạng viễn thông 5G.
Trong trường hợp thực sự xảy ra chiến tranh thương mại, bên nào sẽ tổn thất nhiều hơn?
- Có quan điểm cho rằng, tổn thất kinh tế của Trung Quốc sẽ thấp vì giá trị gia tăng từ hàng xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ chỉ chiếm 3% GDP của nước này, nhưng cách ước lượng đó đã bỏ qua các tổn thất gián tiếp xoay quanh câu chuyện thương mại.
Về tổn thất trực tiếp, nếu cuộc chiến thương mại leo thang, bên tổn thất lớn hơn có thể là Trung Quốc. Trước hết, xuất khẩu hàng hoá từ Mỹ sang Trung Quốc chỉ chiếm chưa đầy 1% GDP và 8% tổng xuất khẩu của Mỹ. Trong khi đó xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chiếm gần 4% GDP và 20% xuất khẩu của quốc gia này. Giá trị gia tăng từ xuất khẩu sang Mỹ chiếm 3% GDP của Trung Quốc. Mặc dù nhiều công ty Mỹ đang đầu tư ở Trung Quốc nhưng nếu các căng thẳng thương mại không được giải quyết, Trung Quốc sẽ chịu tác động kinh tế trực tiếp lớn hơn Mỹ.
 Trung Quốc sẽ là bên thiệt hại lớn hơn trong cuộc chiến thương mại.
Còn về những tổn thất gián tiếp, điều sẽ khiến Trung Quốc thực sự lo lắng là việc Mỹ có thể kêu gọi EU và Nhật Bản cùng liên kết thành một trận tuyến trong cuộc chiến chống lại sự xuất khẩu tràn lan của Trung Quốc. Tiếp theo, tổn thất lớn nhất với Trung Quốc trong cuộc đấu tay đôi với Mỹ là nếu các bất đồng thương mại và vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ chậm được giải quyết, Trung Quốc sẽ tiếp tục không được Mỹ và EU công nhận là nền kinh tế thị trường. Cánh cửa đầu tư vào thị trường Mỹ của DN Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Vậy còn tổn thất với Mỹ trong trường hợp có chiến tranh thương mại là gì?
- Đối với Mỹ, việc Trung Quốc gây khó dễ cho những công ty lớn như Apple, Intel... trên thị trường Trung Quốc sẽ là áp lực lớn mà Mỹ phải lường trước. Theo số liệu của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham), nếu như giai đoạn 2013 - 2015, khó khăn lớn nhất là chi phí lao động gia tăng, tiếp theo đó là sự gia tăng của các quy định và kiểm tra hành chính thì từ 2016 - 2017 nỗi lo lớn nhất đã trở thành sự gia tăng của các quy định và kiểm tra hành chính không rõ ràng. Đồng thời, chủ nghĩa bảo hộ kiểu Trung Quốc đã từ vị trí thứ 5 nhảy lên thứ 3 trong số các lo ngại của DN Mỹ.
Kinh tế Việt Nam có chịu ảnh hưởng gì từ những động thái này, trong ngắn hạn và dài hạn?
- Rủi ro thực sự của các cuộc chiến thương mại là tạo ra tác động lan toả chứ không chỉ dừng lại ở phạm vi một nhóm nước. Hơn thế, đụng độ của hai cường quốc sẽ tạo ra tiền lệ để các nước khác làm theo trong bối cảnh kinh tế các nước đều có xu hướng quay về chủ nghĩa bảo hộ và đề cao chủ nghĩa dân tộc.
Sự chệch hướng thương mại có thể làm thay đổi cán cân thương mại của nước thứ ba nếu các “đấu sĩ” muốn tìm một đường vòng để đi vào sân nhà của đối thủ. Trường hợp xuất khẩu thép của Trung Quốc được cho là đã đi qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ hồi năm 2016 - 2017 là một ví dụ. Nếu điều này xảy ra, Việt Nam có thể sẽ bị xếp chung vào một nhóm với Trung Quốc và gặp phải nhiều khó khăn hơn trong việc cải thiện quy mô và chất lượng xuất khẩu của mình.  
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần