Chuyển hướng tiếp cận vốn vay mới

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải DN nào cũng có sẵn nguồn vốn, nên việc sử dụng các khoản vay dưới nhiều hình thức khác nhau luôn là một phương án hữu hiệu trong việc quản lý tài chính DN.

Bên cạnh việc vay vốn trong nước, DN cũng có thể vay vốn nước ngoài.
Các định chế tài chính đồng hành cùng doanh nghiệp
Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) Kristalina Georgieva cho biết, WB đã chuẩn bị 1,8 tỷ USD cho Việt Nam vay các dự án phát triển. Hiện, trong nhóm các tổ chức của WB có tổ chức chuyên về bảo lãnh, chuyên về hỗ trợ khu vực tư nhân, chuyên cấp vốn cho khu vực công. “WB đang suy nghĩ làm sao để các tổ chức có thể hỗ trợ và làm nhiều việc hơn, giúp công ty có thể vay vốn mà không cần bảo lãnh Chính phủ” - bà Georgieva khẳng định.

Các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, giáo dục, công nghệ thông tin... đều có thể vay vốn của ADB. Ảnh: Anh Tuấn

Sang năm, Việt Nam sẽ "tốt nghiệp" nguồn vốn với lãi suất ưu đãi  đây là lý do để các định chế tài chính quốc tế tìm kiếm các công cụ khác và cũng mở ra cơ hội cho các DN được tiếp cận nguồn vốn mới.  Trong thông báo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ADB tuyên bố sẽ tăng cường cho vay và đầu tư cổ phần trong khu vực tư nhân, nhất là trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Chủ tịch Takehiko Nakao tiết lộ, các DN hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng tái tạo, thiết bị y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, viễn thông… đều có thể vay vốn của ADB. Ngoài ra, ADB cũng xem xét chương trình cho vay hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng.
Không chỉ WB, ADB, nguồn vốn từ các định chế tài chính khác cũng cần nói đến nhằm tăng cường các dự án cho DN ở Việt Nam như AIIB (Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á) quan tâm đến việc khuyến khích, hỗ trợ cho khu vực tư nhân đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Hoặc Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), mục tiêu hoạt động là hỗ trợ khu vực tư nhân bằng cách cung cấp các khoản vay dài hạn, đầu tư cổ phần, bảo lãnh, quản lý rủi ro và các dịch vụ tư vấn.
Làm sao để vay được vốn nước ngoài?
Việt Nam đang hội nhập sâu với thế giới nên phải kéo giảm giá thành mới tăng cạnh tranh. Lợi ích của việc vay nợ nước ngoài là DN có thể vay ngoại tệ với lãi suất thấp. Trong khi đó, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động tại Việt Nam vay vốn từ ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam theo chỉ định của công ty mẹ, hay vay từ công ty mẹ. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn nước ngoài thì DN trong nước phải được đánh giá tín nhiệm. Bên cạnh lợi suất, xếp hạng tín nhiệm quốc gia và xếp hạng tín nhiệm DN còn quyết định mức lãi suất, địa chỉ được vay cho từng loại DN.
Như trường hợp của Tập đoàn Điện lực (EVN), bà Georgieva cho biết có thể cho vay theo hình thức bảo lãnh rủi ro một phần để tăng mức độ tín nhiệm của DN. WB sẽ hỗ trợ EVN để xác định mức xếp hạng tín dụng mở của đơn vị này theo đúng đánh giá của thị trường. Từ đó, hỗ trợ EVN nâng cao vị thế của mình để có thể huy động vốn trên thị trường với mức lãi suất thấp nhất. Giữa năm 2016, Tập đoàn Vingroup cũng đã huy động vốn thành công theo hình thức vay hợp vốn quốc tế. Và đây cũng là công ty bất động sản duy nhất ở Việt Nam đến thời điểm này vay vốn quốc tế theo hình thức trên. Khoản vay được thực hiện trong khi Vingroup vừa hoàn tất trả khoản nợ ngoại tệ 300 triệu USD vay trước đó thông qua hình thức chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Lãnh đạo Vingroup cho biết, việc tiếp tục vay vốn quốc tế không chỉ giúp đa dạng hóa các khoản vay, cân bằng tỷ lệ nguồn vốn trong nước và quốc tế và mà còn giúp Tập đoàn ổn định nguồn vốn, giảm rủi ro do biến động lãi suất trong thời gian dài.
“Khoản vay hợp vốn lần 2 thành công này cho thấy uy tín của Vingroup trên thị trường quốc tế ngày càng cao. Chứng tỏ các tổ chức tín dụng đang tin vào hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vingroup trong tương lai” - đại diện Tập đoàn chia sẻ. Theo đại diện WB, khi nhà đầu tư mua một trái phiếu của một DN phải suy tính là khi cho vay, họ có đảm bảo là nhận lại được tiền lãi và vốn khi đáo hạn hay không? Khi ấy, nhà đầu tư cần tới các công ty xếp hạng tín dụng để đánh giá, là căn cứ để các tổ chức tín dụng xem xét việc mở rộng cho vay. Trên thế giới hiện nay, những ngân hàng tham gia tư vấn môi giới hay đứng ra dàn xếp bảo lãnh các tờ giấy nợ các quốc gia và các DN các nước trên thế giới, kể cả cho vay, bao gồm: Citigroup, Deutsche Bank, HSBC, Standard Chartered, Moody’s,  Standard  & Poor’s, Duff & Phelps, Fitch’s, Morgan Stanley… Do đó, Việt Nam cần tự hoạch định lộ trình để tiến tới xây dựng được các quy định về định mức tín nhiệm theo tiêu chuẩn Việt Nam, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp chuẩn mực quốc tế.
Năm 2017, Việt Nam sẽ tiếp tục trở thành địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư trên thế giới, nhờ có nhiều yếu tố tích cực như cơ hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh. Theo yêu cầu của Chính phủ, các DN Nhà nước phải tự huy động vốn và không còn bảo lãnh. Những cải cách của Việt Nam trong việc  sửa Luật Quản lý nợ công và việc tự huy động vốn sẽ giúp giảm nợ công, sử dụng khoản vay hiệu quả.
            Tổng Giám đốc điều hành WB  Kristalina Georgieva