“Chuyện lạ” ở Đại hội cổ đông Ngân hàng Quân đội

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi cổ đông nhiều DN ngán ngẩm với việc không được chia cổ tức hoặc dài cổ chờ cổ tức tiền mặt thì một cổ đông Ngân hàng Quân đội (Mã CK: MBB) lại đặt câu hỏi với HĐQT ngân hàng này: “Chúng tôi không muốn nhận cổ tức tiền mặt mà muốn nhận cổ phiếu được không? Tôi hơn 80 tuổi rồi, cũng không có nhiều nhu cầu về tiền mặt, tất cả tài sản rồi cũng để cho con cháu thôi”, vị cổ đông này nói.

Trả lời câu hỏi này, Thượng tướng Lê Hữu Đức - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết, về vấn đề chia cổ tức, ngân hàng sẽ tính theo tình hình nhưng cơ bản là chia 6% tiền mặt và 5% cổ tức.
 
Tại Đại hội đồng cổ đông ngày 26/4, cổ đông MB cũng băn khoăn: “Tại sao MB hoạt động tốt, bền vững nhưng giá trị cổ phiếu lại thấp hơn các ngân hàng trong nhóm như VCB, ACB, thậm chí thấp hơn cả VIB… Phải chăng vì công tác truyền thông của MB chưa thực sự tốt?”. “Thời gian qua, thu nhập từ đầu tư cổ phiếu đến từ cổ tức và giá trị cổ phiếu tăng thêm.
Tính trong 5 năm vừa qua, so với nhóm VCB, ACB,… thì thu nhập từ cổ phiếu MB chỉ đứng sau VCB nếu cộng dồn hai giá trị này. Giá trị cổ phiếu MB thấp một phần là do công tác truyền thông, cung cấp thông tin định hướng phát triển dài hạn vẫn còn hạn chế. HĐQT cam kết sẽ đổi mới về hình ảnh ngân hàng để từ đó tăng giá trị cho cổ phiếu MBB”, ông Đức thừa nhận.
Chốt phiên 26/4, giá cổ phiếu MBB ở mức 15.050 đồng/CP; trong khi VCB ở mức 35.050 đồng/CP, ACB 22.700 đồng/CP và VIB 20.000 đồng /CP (Upcom).

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 MB được tổ chức với sự tham dự của 559 cổ đông, chiếm tỷ lệ 79,82% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đồng cổ đông MB đã thông qua với tỷ lệ nhất trí cao: Các báo cáo của HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành về kết quả triển khai Chiến lược giai đoạn 2011 - 2016, kết quả hoạt động năm 2016 và định hướng Chiến lược giai đoạn 2017 - 2021, kế hoạch hoạt động năm 2017 phương án tăng vốn điều lệ lên 18.155 tỷ đồng với 2 đợt (đợt 1 tăng vốn thông qua trả cổ tức 5% cho cổ đông và đợt 2 phát hành 1% cổ phiếu cho CBNV); kế hoạch chia cổ tức 11% cho năm 2017 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Năm 2016, MB đã hoàn thành các kế hoạch đã đề ra như tăng vốn điều lệ từ 16.000 tỷ đồng lên 17.127 tỷ đồng; chi trả cổ tức; triển khai và đưa vào hoạt động 2 công ty mới trong trong lĩnh vực Bảo hiểm nhân thọ (MB Ageas Life) và Tài chính tiêu dùng (MCredit) góp phần hoàn thiện mô hình tập đoàn của MB; hoàn thành việc điều chỉnh giới hạn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 10% lên 20%... Tính đến 31/12/2016, tổng tài sản MB đạt 256.000 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng đạt gần 195.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng hơn 150.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,32%...
Về tình hình thoái vốn tại MBLand, đại diện MB cũng cho hay, hiện, ngân hàng đang thuê công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SSI) định giá và tìm đối tác chiến lược cho MBLand, việc thoái vốn sẽ hoàn tất trong năm nay.

Ngân hàng có thể thoái theo yêu cầu của Nhà nước hoặc thoái toàn bộ tùy theo diễn biến thị trường. “Về kế hoạch M&A, HĐQT được cổ đông giao cho cần phải xác định năng lực, từ đó lựa chọn, đàm phán, nếu đối tác phù hợp chiến lược phát triển và phù hợp với quyền lợi cổ đông mới quyết định. Sau khi chọn được đối tác, chúng tôi sẽ báo cáo cổ đông”, vị đại diện này khẳng định.

Năm 2017, MB hướng đến mục tiêu giữ Top 5 ngân hàng hàng đầu về hiệu quả, trong đó, các công ty thành viên đóng góp quan trọng về lợi nhuận. Mục tiêu kinh doanh mà ngân hàng này đặt ra là tổng tài sản tăng 10%, vốn điều lệ tăng 6%; Huy động vốn dân cư, tổ chức kinh tế tăng từ 8% - 10%; Dư nợ cho vay tăng trưởng 16%; Lợi nhuận trước thuế đạt 4.532 tỷ đồng (trong đó riêng ngân hàng đạt 4.300 tỷ đồng), nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần