Chuyên nghiệp hóa nghề giúp việc

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khởi nghiệp trong một lĩnh vực đã có sẵn nhiều sự cạnh tranh, DN sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, với thị trường giúp việc hay giúp việc theo giờ lại là sự lựa chọn của nhiều startups hiện nay.

Sinh viên giúp việc theo giờ
Nhận thấy, nhu cầu tìm giúp việc của các gia đình ngày càng tăng nên anh Đỗ Tiến Khải (Nhà sáng lập và điều hành Canets) đã cung cấp mạng lưới sinh viên (SV) giúp việc theo giờ kết nối những gia đình trẻ bận rộn, không có nhiều thời gian cho việc dọn dẹp, nấu ăn, chăm sóc gia đình. Thông qua việc công khai các thông tin chung, thông tin hình ảnh, lịch sử đánh giá, chất lượng làm việc, Canets (Caring Network) giúp các gia đình nhanh chóng có thể kết nối với ứng viên phù hợp nhất. Theo anh Khải, Canets lấy SV là lực lượng lao động chính vì họ có trình độ, hiểu biết tốt, độ tin tưởng cao, được quản lý bởi nhà trường nên ít xảy ra vấn đề về an ninh, an toàn. “Chúng tôi xây dựng niềm tin với gia đình bằng cách cung cấp cho gia đình một hồ sơ của SV thật rõ ràng, chi tiết và luôn có những gợi ý, lời khuyên cho gia đình để giúp họ làm việc với SV một cách hiệu quả và chất lượng nhất” - anh Khải cho hay.
 Ứng dụng công nghệ thông tin góp phần chuyên nghiệp hóa dịch vụ giúp việc. Ảnh: Hà Linh.
Chính vì lẽ đó nên dù mới xuất hiện trên thị trường từ tháng 6/2017 đến nay, nhưng Canets đã xây dựng được mạng lưới hơn 10.000 sinh viên giúp việc với hơn 7.000 công việc được đào tạo, kết nối hơn 4.000 sinh viên thành công, trên ứng dụng hiện có 6.000 người dùng và mỗi ngày có từ 20 - 30 giao dịch tìm kiếm giữa sinh viên và gia đình. Tỷ lệ thành công sau mỗi lần tìm giúp việc qua Canets là 70%, sinh viên có thu nhập tốt hơn so với mô hình truyền thống là 50%.
Nhọc nhằn công tác đào tạo
Cũng mô hình cung cấp các dịch vụ giúp việc tại nhà như Canets nhưng JupViec.vn đã khẳng định thương hiệu và là cái tên thân quen trong lĩnh vực này đã 6 nay;  là một ví dụ khởi nghiệp điển hình ứng dụng về CNTT, góp phần chuyên nghiệp hóa dịch vụ giúp việc.
Anh Phan Hồng Minh (Nhà sáng lập JupViec.vn) cho biết, ban đầu phải đầu tư khá nhiều chi phí vào việc tuyển dụng, tìm kiếm lao động. Sau đó là những vất vả để có thể  đào tạo kỹ năng căn bản cũng như được hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh cho người lao động nhằm kết nối với khách hàng và cập nhật với tiến độ công việc. “Để người lao động tin tưởng, chấp nhận việc đào tạo, chúng tôi phải đưa ra đủ mọi lý do thuyết phục bằng cách cho họ xem công việc cần làm qua online để hiểu sơ bộ quy trình. Sau đó, mới đưa ra các quy định, chế tài để họ đi học một cách nghiêm túc”, anh Minh nói.
Theo anh Minh, thuyết phục người lao động đi học đã khó, công tác đào tạo kỹ năng cho người giúp việc còn khó khăn gấp bội. Cứ đào tạo 10 người thì tối thiểu phải loại 3 người để đảm bảo chất lượng dịch vụ, sau đó, đào tạo về thái độ, lương tâm nghề nghiệp, đào tạo chuyên môn.
Hiện JupViec.vn đang cung cấp hơn 2.500 lao động hoạt động trên địa bàn Hà Nội, đáp ứng nhu cầu của hơn 18.000 khách hàng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần