Chuyên nghiệp từ... cái sân

Hải Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những vấn đề cần sớm tìm ra lời giải là kéo khán giả đến sân. Một khi các khán đài được lấp đầy khán giả thì các đội bóng sẽ có cơ hội tìm kiếm thêm nguồn thu từ bán vé và tài trợ. Nhưng, việc mời gọi khán giả đến sân không phải là việc làm đơn giản.

Thay đổi nhận thức

Có một thời, bóng đá Việt Nam đi ngược lại với nguyên lý chuyên nghiệp. Bóng đá chuyên nghiệp coi khán giả là cái đích phải hướng đến. Các đội bóng có nguồn thu chủ yếu đến từ khán giả. Điều dễ nhận thấy nhất chính là khoản thu từ bán vé. Có giai đoạn, sân Lạch Tray kiếm được cả chục tỷ đồng tiền vé một mùa giải. Theo thống kê, mỗi trận đấu của Hải Phòng mùa giải 2008, 2009 có thể đem lại khoảng 1 tỷ đồng tiền vé. Người ta tính ra rằng, khoản thu từ bán vé chiếm khoảng 20% ngân sách trong một mùa giải của Xi măng Hải Phòng.
 

Một số đội bóng thu ít tiền bán vé hơn nhưng cũng kiếm được vài tỷ đồng như Nam Định, SLNA, Thanh Hóa, Than Quảng Ninh và đặc biệt là HAGL. Tuy nhiên, không phải đội bóng nào cũng coi tiền bán vé là tối quan trọng trong các khoản thu. Nhiều sân vận động không bán vé. Có những đội bóng còn trả tiền cho cổ động viên để họ đến sân. Các ông bầu bằng sự hào phóng của mình sẽ mang đến cuộc sống no đủ cho đội bóng chứ không phải là khoản thu tiền lẻ từ bán vé.

Thế nhưng, nhận thức của các đội bóng đã thay đổi khi bóng đá Việt Nam gặp khó khăn. Các đội bóng cần tận dụng mọi nguồn thu. Hơn thế nữa, các nhà tài trợ thực chất chỉ bỏ tiền khi đội bóng có đông khán giả đến sân. Và thế là bóng đá Việt Nam đã đưa khán giả trở lại với đúng vị trí mà họ xứng đáng được hưởng, đó là đối tượng để phục vụ.

Nền bóng đá phục vụ

Có một giai đoạn rất dài, các đội bóng không coi trọng vấn đề phục vụ. Họ chỉ dừng lại ở việc tổ chức trận đấu, nâng cấp chất lượng chuyên môn chứ không nghĩ đến những vấn đề ngoài sân cỏ. Thế mới có chuyện, người ta có thể bỏ cả chục tỷ đồng mua một cầu thủ nhưng lại tỏ ra khó chịu khi bị VFF yêu cầu bỏ ra 1 tỷ đồng cải thiện mặt cỏ. Có những đội nhất định không chịu bỏ ra vài trăm triệu nâng cấp hệ thống vệ sinh, lau dọn khán đài. Thế mới có chuyện, ở các sân cỏ Việt Nam thường xuyên có tình trạng khán đài không có nhà vệ sinh, và chẳng có ghế ngồi phục vụ cổ động viên. Nhưng giờ thì khác, các đội bóng đồng loạt lắp ghế trên các khán đài để đảm bảo rằng, bất cứ ai mua vé cũng có chỗ ngồi. Rồi, các đội bóng cũng quan tâm đến yếu tố phục vụ khi chấp nhận bỏ tiền cải tạo hệ thống phòng ốc chức năng. Việc làm này nhằm đáp ứng đòi hỏi từ giới mộ điệu. Rằng, khán giả đến sân không chỉ để xem bóng đá ở điều kiện khiêm tốn mà còn muốn được phục vụ và tiêu tiền.

Ngoài ra, phải kể đến việc, AFC kiên quyết không thỏa hiệp với các đội bóng Việt Nam. Nếu không có sân vận động, phòng chức năng đạt chuẩn thì các đội bóng không được tổ chức trận đấu quốc tế. Phải thuê sân khiến các đội bóng chi phí nhiều tiền hơn cả việc cải tạo phòng chức năng. Cũng vì điều này mà sân cỏ Việt Nam đang ghi nhận làn sóng chuyên nghiệp hóa từ những cái sân. Và đó cũng là tín hiệu đáng mừng của một giải đấu đã bước sang năm chuyên nghiệp thứ 17.