Chuyện những người phụ nữ “xóm trọ tạm” nhọc nhằn mưu sinh

Ngô Quang Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi dịp 20/10, ai trong chúng ta lại hướng về các bà, các mẹ, các chị… với bao lời chúc, sự tri ân và những món quà ý nghĩa.

Tuy nhiên, với những người phụ nữ lao động nghèo ở “xóm trọ tạm” (phường Phúc Xá, quận Ba Đình) thì dịp lễ này họ vẫn nhọc nhằn mưu sinh như những ngày bình thường khác. Khi màn đêm buông, phố phường tĩnh lặng cũng là lúc ngày làm việc của họ bắt đầu.

Lam lũ trong đêm…

Nằm khuất sau khu chợ đầu mối Long Biên, xóm trọ “tạm” (phường Phúc Xá, Ba Đình) từ lâu đã tồn tại như một thế giới tách biệt, nhếch nhác và ô nhiễm. Gần nửa thế kỉ, xóm luôn là mái nhà thứ hai cho những người lao động nghèo từ các tỉnh lẻ ven đô đổ về. Phụ nữ ở đây, người thu mua sắt vụn, kéo xe thuê; kẻ buôn ngô, khoai, sắn... tất cả họ đều chấp nhận cuộc sống tạm bợ, mưu sinh, kiếm tiền và nuôi dưỡng những ước mơ, mong muốn nhỏ bé.
 Chị Thúy đang chuẩn bị cho gánh hàng đêm của mình.
Dẫn vào xóm trọ là những con ngõ ngoặt nghèo, sâu hút như mê cung. Ven đường, hàng xe đẩy được xếp gọn gàng, ngăn nắp. Mọi không gian ở đây đều được người dân tận dụng triệt để. Chen chúc trên khu đất hẹp có khoảng 20 gian “nhà” được xây tạm bợ. Gọi là “nhà” nhưng thực tế, những phòng trọ nơi đây chỉ rộng vỏn vẹn 7- 8 m2. Những bức tường chỉ cao quá đầu người, gạch để xây thì viên nhỏ viên to, xi măng chát lô nhô, nhếch nhác...

Người dân ở đây coi chuyện nhà cửa dột nát, chuột gián “qua lại” là chuyện bình thường. Dù hầu hết mọi người trong xóm đều có nhà cửa ở quê nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn đã buộc họ phải rời xa quê hương, lên Hà Nội mưu sinh, kiếm sống.
 Lối vào xóm trọ tạm quanh co, mọi không gian đều được tận dụng triệt để.
Dù mỗi người có 1 công việc riêng nhưng điểm chung của họ là lịch sinh hoạt, làm việc với giờ giấc kì lạ, ngược hẳn so với người lao động bình thường. Đêm họ đi làm, còn ngày giành cho việc nghỉ ngơi hồi sức sau 1 đêm làm việc vất vả.

Chị Hồng Thúy (37 tuổi) làm nghề bán ngô, khoai đêm tâm sự: “Người dân trong xóm đều sống dựa vào khu chợ Long Biên. Chợ họp đêm nên khi đêm đến, mọi người tỏa đi làm, mưu sinh, kiếm sống”.

Công việc vất vả là thế, nhưng với họ có được việc làm là điều may mắn. Khi có việc đều đặn họ mới góp nhặt những đồng tiền ít ỏi gửi về quê lo cho gia đình... Trong căn phòng tồi tàn, chật chội, chị Nguyễn Thị Mừng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) vừa ăn cơm, vừa kể: “Ở đây chỉ có số ít các chị, các cô sống chung với chồng; số còn lại đa phần ở theo nhóm. Căn phòng nhỏ dành cho 2 - 3 người chỉ vừa đủ kê tấm phản, chiếc tủ quần áo và 1 chiếc bếp gas du lịch. Cuộc sống người dân trong xóm vất vả là thế, tiền sinh hoạt thì đắt đỏ nhưng vẫn phải cố bám trụ lại, kiếm tiền nuôi cha mẹ già, con cái ở quê ăn học!”
 Mỗi động tác, bước đi của cô Hậu thêm phần chậm chạp qua từng chuyến kéo hàng.
Còn với cô Hậu (quê Nam Định), việc “phu xe” không chỉ là nghề mưu sinh mà nó có ý nghĩa đối với cuộc đời. Vẻ mặt tươi cười, cô chia sẻ: “Cô rất vui vẻ với công việc hàng ngày của mình, nào là đẩy xe hàng, bê vác,… dù vất vả là thế nhưng mình cô làm nuôi 4 người con đi học nên người. Bây giờ cậu út nhà cô vẫn đang học Trường Sĩ quan Lục quân”.

Đôi mắt ánh lên niềm vui, cô Hậu cho hay, cả chục năm rồi, nhiều người nhìn công việc này với vẻ không mấy thiện cảm nhưng đối với cô vẫn là công việc chân chính. Nhờ đó mà nuôi con cái lớn khôn, thành đạt. Đó là niềm vui, động lực cho mỗi đêm đẩy xe, gánh gồng vất vả.

Để “chắp cánh” cho những ước mơ

Cũng giống bao gia đình bình thường khác, người cha người mẹ thuê trọ tại đây cũng ấp ủ hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho con cái mình. Họ đi tha hương cầu thực nơi đất khách quê người chỉ với ước muốn cho gia đình được ấm no, sung túc.
 Những chuyến hàng to, nặng như nuốt trọn tấm thân gầy gò của những người phụ nữ nghèo

Khi màn đêm buông, người người chìm sâu vào giấc mơ đẹp cũng là lúc những người phụ nữ ở đây bắt đầu cuộc hành trình hiện thực hóa ước mơ của mình.

Đều đặn đến 9 giờ tối, những người phụ nữ trong xóm bắt đầu đẩy những chiếc xe chở hàng ra chợ. Vì nơi đây là chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội, nên tất cả các mặt hàng hoa quả từ khắp nơi trong cả nước đều về đây tụ họp. Xe cộ đi lại chật kín đường đi, tiếng gọi, tiếng chửi của người mua kẻ bán vang lên không ngớt ...

Theo chân cô Hậu, trên con đườn trơn trượt, chúng tôi cùng cô khẩn trương đẩy chiếc xe của mình cho kịp chở những chuyến hàng đầu. Dù năm nay đã ngoài 50 nhưng đôi chân cô vẫn nhanh thoăn thoắt.
 Ngày ngủ đêm làm, chỉ có tầm chiều - nhá nhem tối, khu sinh hoạt chung của người dân xóm trọ tạm mới thực sự đông đúc.
Làm liền mạch 3 tiếng mới được nghỉ một lát, cô kể: “Đấy, tối nào cô cũng kéo gần chục chuyến … lắm đêm đi về mà vai đau nhức mà đêm sau vẫn phải đi làm tiếp. thông thường 1 chuyến của cô chỉ nặng khoảng 6-7 tạ nhưng thỉnh thoảng chủ gửi đi những chuyến cả tấn, không có người kéo giúp là không làm nổi”. Cứ thế 10 năm nay, cô miệt mài kéo xe, chuyển hàng, bất kể đêm đông giá rét hay trời hè nóng nực ... “Bởi ngưng làm là hết tiền tiêu” - cô cười.
Sau 5 chuyến hàng, mặt cô Hậu thấm đẫm mồ hôi nhưng tuyệt nhiên cô chẳng kêu ca, than thở
Trong suốt cả đêm làm việc, cô Hậu chẳng kể chuyện buồn, chẳng than mệt nhọc mà luôn miêng trò chuyện, cười nói với chúng tôi. Mãi 4 giờ sáng, hết việc, cô mới được cầm số tiền ít ỏi trên tay rồi về ăn còn nghỉ ngơi lấy sức. Nửa đời người với nghề, bao nhiêu mồ hôi và những giọt nước mắt - cô nguyện dành tất cả sự hi sinh để đánh đổi lấy một tương lai tươi sáng hơn cho các con.

Khi tạm biệt cô, cũng là lúc trời sáng, trên đường về, phố xá tấp nập với còi xe. Trong đầu tôi vẫn luôn nghĩ về những người phụ nữ với công việc đầy lam lũ nơi xóm trọ nghèo giữa Thủ đô mà trong họ luôn ấp ủ “chấp cánh” cho những ước mơ của con cái họ!...