Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển nơi khám chữa bệnh ban đầu: Không ảnh hưởng đến quyền lợi người dân

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang thực hiện chuyển thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của người tham gia BHYT theo hộ gia đình tại các bệnh viện (BV) tuyến T.Ư, tuyến tỉnh về cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tuyến huyện, xã phù hợp với nơi cư trú. Việc chuyển đổi này được thực hiện xong trước ngày 31/3/2021.

 Người dân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ. Ảnh: Trần Thảo
Tạo thuận lợi chuyển tuyến

Hiện nay, Hà Nội có gần 1,34 triệu người tham gia BHYT theo hộ gia đình, bằng gần 18,5% tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn. Nhiều trường hợp tham gia được Quỹ BHYT chi trả chi phí KCB lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng, thậm chí có trường hợp được chi trả lên tới hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác KCB BHYT ở nhiều cơ sở y tế tuyến T.Ư thường xuyên quá tải.

Thực hiện sự chỉ đạo của T.Ư, liên ngành Y tế - BHXH Hà Nội đã có Văn bản số 3982/HD-YT-BHXH hướng dẫn bổ sung đăng ký KCB BHYT ban đầu trên địa bàn TP Hà Nội năm 2021. Theo đó, người tham gia BHYT theo hộ gia đình đang đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến T.Ư sẽ chuyển về các cơ sở y tế tuyến huyện, xã để thuận tiện cho người dân KCB. Đặc biệt, trong thời gian trước ngày 31/3, những trường hợp đang đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở y tế tuyến TP nhưng không phù hợp với nơi cư trú cũng sẽ chuyển về các cơ sở y tế tuyến huyện, xã. Riêng những trường hợp đang đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở y tế tuyến TP nhưng phù hợp với địa bàn cư trú thì tạm thời chưa điều chỉnh cho đến khi hết thời hạn sử dụng thẻ BHYT…

Mới đây, bà Lê Thị Trinh (55 tuổi), thôn Ứng Hòa, xã Nam Điền, huyện Chương Mỹ cho biết, 15 năm tham gia BHYT hộ gia đình, bà và chồng thấy rõ được quyền lợi của người tham gia BHYT. Đơn cử, cứ mỗi lần cảm thấy sức khỏe có vấn đề, bà lại ra Trạm y tế (TYT) xã để được thăm khám và điều trị. Nếu tình trạng sức khỏe không cải thiện, TYT xã giới thiệu bà lên BV Đa khoa Chương Mỹ. “Việc chuyển nơi đăng ký KCB ban đầu về gần nơi cư trú giúp chúng tôi thuận lợi hơn trong việc khám, điều trị bệnh, nhất là với người già, người sức khỏe yếu”- bà Trinh nói.

Sẵn sàng phục vụ bệnh nhân

Giám đốc BV Đa khoa huyện Chương Mỹ Đặng Trần Chiến cho biết, với dân số gần 340.000 người, hiện nay, huyện có 301.000 người tham gia BHYT (đạt 90,1%), trong đó có hơn 70.000 người tham gia BHYT hộ gia đình; 108.000 người đăng ký KCB ban đầu tại BV Đa khoa Chương Mỹ.

“BV Đa khoa huyện Chương Mỹ có 365 giường, đang quản lý 160 - 180 bệnh nhân nội trú, khoảng 700 - 1.000 lượt bệnh nhân khám bệnh/ngày. Với hệ thống cơ sở vật chất hiện có, BV có thể tiếp nhận thêm ít nhất 30.000 người đăng ký KCB BHYT ban đầu. Ngoài ra, huyện còn có 32 TYT, 2 phòng khám thuộc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện tham gia KCB BHYT, có thể bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người tham gia BHYT hộ gia đình” - ông Chiến cho hay.

Cũng theo ông Chiến, nhằm đáp ứng nhu cầu KCB của người dân, nhất là để thu hút người bệnh, hiện BV đang cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, đồng thời đề xuất cấp trên mở rộng thêm diện tích. Bên cạnh đó, hàng năm, BV mua sắm thêm trang thiết bị cơ bản, nâng cao trình độ cho các bác sĩ học chuyên II, I. Nhờ đó, đến nay, BV có thể phẫu thuật được tuyến giáp, tiền liệt tuyến, tán sỏi thận, sỏi niệu quản… Tuy nhiên, để tạo điều kiện, giữ chân bác sĩ ở tuyến cơ sở, Chính phủ, TP có cơ chế phù hợp hơn, nhất là y bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao. Ngoài ra, T.Ư, TP cần đầu tư đồng bộ hơn về trang thiết bị, cơ sở vật chất.

Đồng quan điểm, Giám đốc TTYT quận Đống Đa Nguyễn Đức Tuấn cho hay, quận có 3 phòng khám và 1 nhà hộ sinh đang KCB BHYT. Năm 2020, TTYT quận duy trì 79.000 lượt người KCB, với hơn 70.000 thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu. Với nguồn lực cơ sở vật chất, nhân lực như hiện nay, TTYT quận sẵn sàng tiếp nhận số lượng người đến KCB tăng lên. Tuy nhiên, lãnh đạo TTYT quận kiến nghị, các cơ quan chức năng cần có giải pháp cụ thể để người dân thực sự tin tưởng vào chất lượng KCB tại tuyến y tế cơ sở, tránh tình trạng các cơ sở này trở thành nơi bệnh nhân “xếp hàng” xin chuyển lên tuyến trên.

Theo Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Thị Tám, việc chuyển nơi đăng ký KCB ban đầu vẫn cơ bản bảo đảm mọi quyền lợi của người tham gia. Trường hợp vượt quá khả năng điều trị của cơ sở y tế tuyến dưới, bệnh nhân sẽ được chuyển tuyến thuận lợi. Ngoài ra, tại tuyến xã, phường, thị trấn, người có thẻ BHYT sẽ được chi trả 100% chi phí KCB BHYT. Đặc biệt, hiện nay đã thực hiện thông tuyến huyện và KCB nội trú trái tuyến đã được hưởng 100%.

Để sẵn sàng phục vụ bệnh nhân BHYT theo hộ gia đình, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở y tế tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP kích hoạt toàn bộ bộ máy hoạt động.
Năm 2020, trên địa bàn Hà Nội có tới 82% các TYT xã, phường, thị trấn thực hiện đảm bảo có tối thiểu 1 bác sĩ/TYT. Đặc biệt, đến nay, 100% các TYT đạt tiêu chí chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở y tế phải tiếp tục rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế (Thông tư 39 về danh mục kỹ thuật cơ bản). Qua rà soát, những đơn vị chưa đảm bảo về cơ sở vật chất sẽ được đầu tư xây dựng, cải tạo và sửa chữa nhằm đáp ứng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội Vũ Duy Hưng