Chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mở ra nhiều cơ hội hợp tác

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan (từ ngày 17 - 19/8) theo lời mời của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.

Chuyến thăm được đánh giá là thành công rực rỡ trên cả 3 phương diện ngoại giao Nhà nước, xúc tiến đầu tư và đối ngoại Nhân dân.

Thành công trên nhiều lĩnh vực

Trên phương diện đối ngoại song phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm quan trọng với Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan-ocha tại Thủ đô Bangkok. Hai nhà lãnh đạo đã khẳng định nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mức 20 tỷ USD trước năm 2020; nhất trí tạo điều kiện cho hàng hóa mỗi nước tiếp cận thị trường của nhau; thúc đẩy hợp tác về sản xuất, xuất khẩu gạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha chứng kiến lễ ký kết hợp tác đầu tư vào lĩnh vực hóa dầu.

Trong quan hệ xúc tiến đầu tư Việt Nam - Thái Lan, hai Thủ tướng đã chứng kiến Lễ ký kết nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan về hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các Bản ghi nhớ giữa các bộ, ngành hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng; các bản ghi nhớ khác giữa các địa phương và DN hai nước. Về nội dung xúc tiến đầu tư - một thành công nổi bật của chuyến thăm là việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đại tướng, Phó Thủ tướng Thái Lan Prajin Juntong đã chứng kiến hàng loạt văn kiện, bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa các DN Việt Nam - Thái Lan.

Nhiều triển vọng kinh tế

Theo nhận định của giới chuyên gia, một trong những thành công phải nhắc tới sau chuyến thăm Thái Lan lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là các cuộc làm việc, tiếp xúc với lãnh đạo các tập đoàn, DN hàng đầu Thái Lan nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi các DN Thái Lan đầu tư vào Việt Nam. Theo TS Yukti Mukdawijitra - Khoa Xã hội học và Nhân học (ĐH Thammasat), quan hệ lịch sử của mỗi nước đã và đang tạo ra động lực mới trong khu vực cho phép hai quốc gia khẳng định tầm ảnh hưởng chiến lược hơn bao giờ hết. Bên cạnh các chuyên gia, giới báo chí cũng có những bài viết đánh giá cao về chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo bài viết “Thái Lan và Việt Nam cùng nhau vững mạnh hơn” trên tờ Nhật báo Bangkok Post, tác giả nhận định, việc Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế và tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế với 17 thỏa thuận tự do thương mại và là một trong 4 quốc gia ASEAN tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã giúp quốc gia láng giềng của Thái Lan trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế trong khu vực. Chính sách tích cực hội nhập của Việt Nam đã thúc đẩy Thái Lan tích cực hơn trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Như vậy, mối quan hệ của Việt Nam - Thái Lan cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về tổng thể của khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong các vấn đề liên quan tới khuôn khổ hợp tác phát triển kinh tế nói chung.

Còn theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa, thoái vốn đối với DN Nhà nước lớn trong nhiều lĩnh vực. Đây là thời điểm chín muồi để các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Thái Lan trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực có tiềm năng phát triển gắn với hỗ trợ chuyển giao công nghệ…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần