Chuyện tình 66 năm và đám cưới vào ngày Cá tháng Tư

Trịnh Ngân Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ngọn lửa tình yêu của những con người trong chiến hào kháng chiến vẫn còn cháy mãi cho đến ngày nay. Tình yêu 66 năm của ông bà cụ U90 được dính kết vào một ngày đặc biệt - ngày Cá tháng Tư (ngày nói dối), như câu chuyện cổ tích giữa đời thường khiến nhiều người cảm phục và ngưỡng mộ.

 Lễ cưới Kim cương của 2 cụ vào năm 2013
Đám cưới thật vào ngày nói dối
Đất nước đã hòa bình hơn 40 năm, song cụ ông Trịnh Hải  - nghệ sĩ nhiếp ảnh (88 tuổi) và cụ bà Phạm Thúy Hà (86 tuổi) ở Ba Đình, Hà Nội vẫn bùi ngùi khi nhắc lại đám cưới của mình trong những năm tháng chiến tranh.
Hồi đó, một bạn thương binh giới thiệu ông bà với nhau. Như phải duyên số, hai người gặp nhau và nảy sinh tình cảm "sét đánh". Trùng hợp là các cụ thân sinh hai bên lại cùng sinh hoạt tại một liên chi bộ Đảng nên ra sức vun vào. Khi đã ngỏ lời yêu, hai người hứa hẹn dù gian khổ thế nào, thậm chí không may bị thương tật do chiến tranh cũng không bỏ nhau và suốt đời yêu quý, hi sinh cho nhau. Lại hứa với nhau là cùng xây dựng lòng tin và tôn trọng nhau để trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không to tiếng, nặng lời với nhau.
Cụ ông bồi hồi kể: "Đám cưới của chúng tôi được tổ chức năm 1953 vào đúng ngày 1/4, thời đó chẳng ai biết là ngày nói dối. Lúc đó vào buổi tối, dưới ánh đèn dầu hỏa để tránh máy bay, vì ban ngày nếu tụ tập đông người giặc Pháp thường khủng bố, bắn phá. Lễ cưới không có tiệc cỗ, chỉ có xôi chè liên hoan, nhưng đông vui và mọi việc… đều là thật".
Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, mặc dù hoàn cảnh sống vô cùng khó khăn thiếu thốn, ở một gia đình đông con, cụ ông thường đi công tác xa nhà, cụ bà làm việc cặm cụi quanh năm giữa bốn bức tường cơ quan. Hết giờ làm việc, không có xe đạp, cụ bà phải đi bộ gần một giờ mới về đến nhà. Đủ thứ việc trong cuộc sống gia đình lại đè nặng lên vai người phụ nữ mảnh dẻ.
"Cực nhất là thờì kỳ giặc Mỹ ném bom Hà Nội, tôi cho con đi sơ tán vừa phải bảo đảm công tác, vừa phải lo các chuyện ăn mặc, học hành cho chúng nó. Cũng phải âm thầm chịu đựng, không dám kêu ca, phàn nàn để khỏi ảnh hưởng đến công tác của ông ấy. Nhưng ông ấy cũng rất hiểu và thương tôi, ông ấy vẫn nói với mọi người rằng những thành đạt của mình đều có bóng dáng cụ bà phía sau. Tôi tin, đó là những lời nói thật”, cụ bà nhớ lại.
Bà tâm sự: "Thường ngày ông ấy vẫn rất tình cảm và nhẹ nhàng, và những khi ở nhà vẫn tự nguyện san sẻ với vợ mọi việc gia đình. Chúng tôi luôn tìm những tấm gương trong cuộc sống vợ chồng người khác để tự soi mình".
Gần 40 năm nay, hai cụ đã cùng đi khắp đất nước 
Cùng nhau đi khắp thế gian
Thông cảm với vợ chẳng bao giờ được đi cho biết đó biết đây, cụ ông hứa là bao giờ về hưu, kết hợp đi sáng tác nhiếp ảnh sẽ đưa cụ bà cùng đi để bù đắp cho những thiệt thòi đã qua. Thế là gần 40 năm nay, hai cụ đã cùng đi khắp đất nước từ đỉnh Lũng Cú (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái), và các tỉnh thành khác vào tới mũi Cà Mau, đảo Phú Quốc… Mới tháng 8/2017, hai cụ lên được đỉnh Fansipan vào đúng một ngày mưa lạnh, nhưng về nhà an toàn, mạnh khỏe.
Theo lời chị Giang - con gái lớn của cụ Trịnh Hải: Đã 66 năm thành vợ thành chồng, nhưng đến nay các cụ vẫn thường xưng hô “anh - em” với nhau tự nhiên như thuở mới yêu. Trong cuộc sống chung, vợ chồng nhà nào cũng không tránh khỏi những lúc mâu thuẫn mà người đời vẫn ví là “bát đĩa còn có khi xô”, nhưng do cùng biết tránh bùng nổ, lựa lời vào lúc thích hợp, nên các cụ chẳng cãi nhau bao giờ.
"Lớp con cháu chúng tôi rất tự hào học hai cụ được nhiều điều về văn hóa ứng xử trong gia đình, cũng như ngoài xã hội. Với tất cả tình thương yêu, chúng tôi thường xuyên chăm lo sức khỏe và làm vui lòng hai cụ. Hy vọng bốn năm nữa vào ngày 1/4/2023, chúng tôi lại được kỷ niệm 70 năm ngày cưới của các cụ mà chưa biết sau lễ cưới Kim cương gọi là lễ cưới gì? Mong sao hai cụ ổn định sức khỏe, sống lâu để cùng nhau thực hiện mãi những điều thật trong ngày Cá tháng Tư” và cũng là hạnh phúc của tất cả chúng tôi".