Chuyện trâu năm Tân Sửu

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Con trâu xuất hiện và gắn bó với người nông dân Việt Nam từ lâu đời. Hình tượng con trâu đã hòa quyện trong nếp sống, nếp nghĩ và các hình thức sinh hoạt văn hóa của người Việt.

Một buổi chiều yên bình tại vùng quê Hải Hậu (Nam Định), hai đứa trẻ ngồi trên nền ximăng của sân nhà mải mê chơi con trâu điện tử mới được bác tôi mua về trong chuyến ra Hà Nội. Cuộc sống hiện đại đã làm hình ảnh của quê hương có nhiều đổi thay, trẻ con dần lạ lẫm với hình ảnh con trâu nơi ruộng đồng. Có chăng, chúng chỉ thấy con trâu trên truyền hình, qua sách vở, chuyện tranh hoặc những thứ đồ chơi chạy lạch cạch bằng pin. Chợt nhớ, tuổi thơ của những đứa mục đồng ngày xưa gắn bó với trâu, một buổi đi học, một buổi ra đồng dắt trâu đi ăn.
Ông Trần Thế Tuyến (xã Hải Long, huyện Hải Hậu, Nam Định) kể: "Nam Định quê tôi là vùng lúa trù phú nên đi đâu cũng gặp những cánh đồng lúa bạt ngàn. Nghề nông là kế sinh nhai của người dân nơi đây từ khi mở đất: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Con trâu hiền lành, siêng năng đã giúp ích cho người nông dân rất nhiều từ việc làm đất, cày bừa cho đến kéo lúa về sân. Ngày ấy, gia đình tôi nghèo lắm, nên bố phải đi chăn trâu cho chủ kiếm miếng cơm, manh áo. Tiền chăn trâu chẳng đáng là bao nhưng nhờ bố làm việc siêng năng nên chủ đất thương, dăm bữa, nửa tháng lại được cho thêm tiền, thêm lúa. không chỉ người lớn mới biết mà bọn trẻ em ở vùng nông thôn đứa nào cũng thạo".

Với những đứa trẻ ở thành phố, nghỉ hè được bố mẹ cho về quê là vui nhất. Bởi khi đó, chúng được chạy theo lũ trẻ chăn trâu. Lúc này, cánh đồng đã gặt xong, lũ trẻ chăn trâu mặc sức chăn thả, tập trung ở một bãi đất rộng để chơi đùa. Ở những ruộng trâu ăn cỏ cạn nước, trẻ thường tát nước hoặc mò tìm trong đám sình non để bắt vài chú cá rô. Chẳng mấy chốc, những con cá rô đồng đã nằm vùi trong đống lửa rơm bùng cháy. Những buổi chiều chờ trâu ăn cỏ, lũ trẻ mục đồng thường mang diều ra thả giữa trời lộng gió.

Mấy ai yêu Hà Nội mà không thuộc lòng huyền thoại trâu vàng nằm ngủ trong lòng Hồ Tây đã nghìn năm chưa thức giấc. Theo GS Lê Văn Lan, truyền thuyết kể rằng, có nhà tu hành tên là Minh Không (còn có thuyết đó là nhà sư Không Lộ) đức cao vọng trọng, có nhiều phép thuật. Ngài muốn đúc một quả chuông đồng, bèn đi sang phương Bắc, dùng phép thuật thu nhặt hết số đồng vàng đen phương ấy mang về. Trên đường về, ngài ngả chiếc nón tu ra đựng đồng mà không chìm. Số đồng ấy không thể tính đếm bằng cân bằng tấn, đủ để đúc một quả chuông, đánh lên nó ầm vang cả một phương trời. Ngày hoàn công, đánh thử, tiếng chuông như sấm, vang đến phương Bắc. Nơi ấy có con trâu vàng tưởng mẹ nó gọi ở trời Nam, liền cất vó cong sừng lồng lên đi tìm mẹ nó.
Trâu chạy từ khắp Bắc Ninh về Hà Nội, chạy qua đâu nơi đó lại biến thành sông nên Hà Nội ngày nay có sông Kim Ngưu, kéo dài đi nhiều tỉnh. Sau cùng, trâu vàng tìm đến Hồ Tây, nhưng tiếc thay quả chuông quá to và quá nặng, không treo lên được, nhà sư Minh Không đành thả chuông chìm vào lòng Hồ Tây. Con trâu vàng không tìm thấy mẹ, cũng không nghe tiếng mẹ gọi, nó bực tức lồng lên, quần đảo cả một vùng, giẫm nát hết một khu vực, khiến mặt đất sụt xuống, biến thành một hồ rộng lớn mà thành Hồ Tây như ngày nay.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: “Chúng ta có 54 tộc người khác nhau và đều có văn hóa về trâu phong phú. Văn hóa trâu trong khởi nguyên là của phương Nam, từ sông Dương Tử trở xuôi. Bằng chứng từ những di chỉ khảo cổ học từ 10.000 năm đến 20.000 năm ở Việt Nam và rộng ra Đông Nam Á đều tìm ra những dấu tích về trâu hoặc cụ thể ở những di chỉ thuộc văn hóa Hòa Bình, Đồng Đậu từ 3.000 trước.
Khi chúng ta tiếp xúc với Phật giáo, biểu tượng trâu mang tính triết lý, tín ngưỡng, khái quát rất rõ. Ví dụ như Phật giáo Thiền Tông thuộc Đại Thừa, họ có bộ tranh Thập Mục Ngưu Đồ (10 bức tranh chăn trâu) kể một quá trình tu tập, hành đạo của một con người theo Thiền Tông. Với Nho giáo, trâu là con vật hiến tế khi cúng thần thánh, triều đình, làng xã thậm chí trong gia đình, gọi là cỗ tam sinh (trâu, ngựa, dê).

Hình tượng của con trâu cũng đi vào kiến trúc xây dựng nhà cửa. Trong đó, người Sán Chay xây dựng nhà theo hình một con trâu thần. Ngoài ra, những người dân tộc khác đều coi trâu là con vật linh thiêng, có nơi thờ tụng chu đáo và đối xử với trâu như một thành viên trong gia đình. Từ xưa đến nay, cho dù cuộc sống của con người có thay đổi theo nhiều chiều hướng khác nhau thì hình tượng con trâu vẫn còn đó, vẹn nguyên những ý nghĩa sâu sắc để răn dạy người đời có cách sống đúng mực và đàng hoàng.