Chuyển từ bộ máy quản lý sang phục vụ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cải cách phải đi vào thực chất, chứ không thể chỉ trên giấy tờ hay trong nghị quyết. Luật pháp đã ban hành, phải nghiêm túc thực thi.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh trong buổi đối thoại với khoảng 150 lãnh đạo DN trong nước và nước ngoài, được tổ chức ngày 30/3 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2015 - Cơ hội và thách thức”.

Tại cuộc đối thoại này, ông Ricky Tan - Chủ tịch Kinder World thẳng thắn đặt vấn đề: Dù Luật Đầu tư (sửa đổi) có một bước tiến lớn khi đã giảm số ngày làm thủ tục đầu tư từ 45 ngày xuống còn 15 ngày, nhưng làm thế nào để hiện thực hóa kế hoạch này? Trả lời câu hỏi này, ông Vinh nhấn mạnh, giảm thời gian làm thủ tục đầu tư từ 45 ngày xuống còn 15 ngày là một số gắng lớn. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở mỗi sở KH&ĐT các địa phương, mà còn là thủ tục đất đai và các thủ tục liên quan khác. Ví dụ, muốn lập trường học còn những thủ tục liên quan đến Bộ GD&ĐT... Dù còn nhiều nghị định hướng dẫn thi hành luật phải xây dựng, song Ban soạn thảo quyết tâm hoàn thiện, với các quy định rõ ràng và minh bạch nhất nhằm đưa luật vào cuộc sống.
Sản xuất sản phẩm kỹ thuật điện chất lượng cao tại Công ty ABB Việt Nam.	 Ảnh: Hùng Huy
Sản xuất sản phẩm kỹ thuật điện chất lượng cao tại Công ty ABB Việt Nam. Ảnh: Hùng Huy
Thời gian qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những bước đi thực chất hơn, khi nhiều cơ hội hợp tác song phương và đa phương được thiết lập trong bối cảnh nhiều hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác sẽ được ký kết trong năm nay… Và một điều quan trọng là chỉ 3 tháng nữa, 2 đạo luật gốc liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng DN - Luật Đầu tư và Luật DN sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực. Chưa kể còn các luật khác liên quan đến việc minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh, như Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh... Với tư tưởng xuyên suốt, thống nhất, minh bạch về việc người dân và DN được quyền kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm, khi các luật này đi vào cuộc sống, chắc chắn sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn cho người dân và DN, tạo được làn sóng mới trong đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam. Tất nhiên, điều này sẽ mang lại động lực mới cho nền kinh tế.

Có động lực mới, nền kinh tế có cơ hội để tăng tốc. “Tuy nhiên, để đưa luật vào cuộc sống, cản trở lớn nhất là con người. Vì thế, lần này Chính phủ đã có chỉ đạo phải cương quyết, yêu cầu Bộ xây dựng những chế tài pháp luật đủ mạnh để tránh chuyện công chức Nhà nước gây nhũng nhiễu cho DN. Ai không thực hiện thì phải có chế tài xử lý” – ông Vinh khẳng định và một lần nữa nhấn mạnh, đã đến lúc Việt Nam phải chuyển từ bộ máy quản lý sang bộ máy phục vụ. Mặc dù đây là việc không dễ dàng, thậm chí là một quá trình gian khổ, bởi không gì khó khăn bằng đổi mới chính mình nhưng để cải cách, để phát triển thì đây là những việc cấp thiết trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần