Chuyện về người phụ nữ dọn "núi rác" làm "đường hoa" ở Hà Đông

Bài và ảnh Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị bà Nguyễn Thị Sáu vừa chỉ vào con đường hoa, nói: “Tôi làm con đường hoa này phải dọn rác thải chất thành “núi” và bị chửi rất nhiều. Nhưng chửi tôi vẫn làm. Vì ở đô thị không thể sống chung với rác”.

Không thể sống chung với rác
Nói về gương điển hình học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông Lại Hà Phương, chia sẻ: Từ năm 2020 đến nay, bà Nguyễn Thị Sáu, Chi hội Trưởng Chi hội phụ nữ tổ 21, phường Kiến Hưng rất nổi bật trong việc vận động xã hội hoá làm sạch môi trường và xây dựng khu đô thị xanh, sạch, đẹp. Điều đặc biệt ở đây khi mới làm, bà Sáu bị khá nhiều người phản đối, nhưng sự quyết tâm khởi xướng và không ngại va chạm đã giúp bà thực hiện mô hình này hiệu quả.
Nói về tổ dân phố 21, phường Kiến Hưng nằm cách xa trung tâm phường, phần lớn diện tích đô thị nằm xen với vùng đồng ruộng. Do ở ven đô thị nên nạn đổ rác tràn lan ngay trên hè đường, dọc tuyến phố, trước cửa 2 toà nhà chung cư 19T2 và 19T3 của tổ dân phố. Bà Sáu chỉ tay vào đoạn đường nằm trước cửa 2 toà nhà kể trên nói: Đoạn đường này dài chừng 400m2, trước đây hè đường là “núi” rác. Con đường phía Bắc khu đô thị này giáp ranh giữa tổ 21 và 22 cũng bị người dân chiếm dụng vỉa hè để trồng rau, nhiều chỗ biến thành nơi đổ rác. Chính quyền địa phương, tổ dân phố có rất nhiều cuộc họp để giải quyết vấn nạn đổ rác thải tràn lan nhưng vẫn khó giải quyết và kéo dài suốt từ năm 2012 mãi đến 2019. Nguyên do, có rất nhiều ý kiến trái chiều không cho giải toả rác, bởi họ giữ vỉa hè để trồng rau.
Bà Nguyễn Thị Sáu đã vận động một số gia đình ủng hộ, thu dọn rác ra khỏi địa bàn.

Hàng ngày, đứng nhìn “núi” rác bốc mùi hôi thối lên toà nhà chung cư, bà Nguyễn Thị Sáu lắc đầu và đặt ra biết bao câu hỏi: “Trong đô thị mà toàn rác thế này à? Rác chất thành “núi” sao gọi là đô thị? Không thể sống chung với rác …”.
Bà cũng đặt nhiều câu hỏi tương tự trong mỗi cuộc họp cho người dân suy nghĩ và ủng hộ, nhưng không ít ý kiến phản đối. Chỉ đến khi dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở tổ dân phố năm 2019. Rác thải chính là nguồn cơn sinh sôi muỗi, gây ra dịch bệnh. Bà suy nghĩ mình phải làm gì cho cộng đồng và đã đứng ra vận động một số người dân ủng hộ vượt qua tất cả những ý kiến trái chiều để phát động phong trào làm sạch, đẹp đường và ngõ trong khu đô thị.
Bà Nguyễn Thị Sáu quyết tâm và mạnh dạn đề xuất với chính quyền Kiến Hưng, Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) phường và quận lên kế hoạch dọn rác, chống ô nhiễm môi trường, giảm thiểu nguồn phát sinh muỗi để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và chào mừng Đại hội Đảng các cấp.
Bà Nguyễn Thị Sáu trồng cây làm đẹp cho con đường, hè phố.

Nhờ có một số gia đình trong 2 tòa chung cư ủng hộ, bà tìm người và thuê máy ủi, xe vận chuyển, thu gom rác. Nhiều chỗ rác rơi sâu xuống vệ đường, các chị em phụ nữ, cùng một số cư dân phải xúc, nhặt. Sau 1 ngày con đường rác đã được giải tỏa xong. Trong buổi dọn vệ sinh đầu tiên bà Sáu nhận được nhiều lời khen ngợi, nhưng cũng có không ít người vẫn chửi bà thậm tệ. Nhưng bà nói “Đây là công việc chung, vì sức khoẻ cộng đồng, giải toả rác thải bủa vây là việc phải làm”.
Xây dựng môi trường thân thiện
Giải tỏa rác xong, công cuộc giữ cho môi trường luôn sạch đẹp cũng rất khó. Bà Nguyễn Thị Sáu lại đứng ra làm cuộc vận động làm đẹp cho tuyến đường. Bà xin cấp giấy phép để xây dựng các bồn trồng hoa, huy động người dân đóng góp tiền, vật liệu xây dựng và cây. Bà chia sẻ thêm: “Nhờ có người dân ủng hộ, đến nay 2 bên đường trong khu dân cư đã phủ bóng cây xanh gồm phượng vĩ, sấu, cây sanh, trứng cá. Trong các bồn hoa đã được người dân góp các loại cây trồng như hoa hồng, mẫu đơn, dừa cạn, cọ, hoa mười giờ... Không chỉ vậy, bà còn kêu gọi người dân tô màu, vẽ tranh làm đẹp cho các bồn hoa.
 Bà Sáu vận động các gia đình còn tham gia vẽ tranh cho bồn cây.

Tin tưởng bà, nhiều chị em phụ nữ huy động cả chồng, con tham gia thiết kế và vẽ tranh lên bồn cây. Nhìn những bồn cây đủ sắc màu và mỗi chậu một mẫu vẽ khác nhau; cùng với cây trồng đang nảy lộc đơm hoa. Bà Vương Hồng Hiển là cư dân của toà nhà 19T3 xúc động nói: “Không ai nghĩ từ 1 bãi rác cách đây hơn 1 năm về trước nay đã thành đường cây và hoa. Ngày nào tôi cũng đưa cháu đi dạo ở đây, thấy rất vui. Có được kết quả này công lớn thuộc về bà Sáu. Tôi muốn đề nghị các cấp khen thưởng cho bà Sáu là tấm gương người tốt việc tốt... Đống rác ở đây đã có nhiều lần họp, kéo dài năm này qua năm khác của cấp chính quyền, nhưng không giải quyết được, chỉ vì những ý kiến trái chiều phản đối kịch liệt. Đến nay, vẫn có những ý kiến chửi bà Sáu, nhưng bà ấy không ngại chửi và làm việc quyết liệt”.
 Hè phố này đã trở thành nơi đi dạo của người dân.

Thấy việc làm có ý nghĩa, nhiều người vẫn thi thoảng gửi bà Sáu tiền để xây dựng quỹ bảo vệ môi trường, cây hoa để trồng bổ sung trong khu dân cư. Đến nay, người dân đóng góp trên 100 triệu đồng để dọn rác và xây dựng tuyến đường hoa, chưa kể ngày công lao động. Với việc làm vì cộng đồng của bà Nguyễn Thị Sáu đã tạo điểm nhấn trong tổ 21 về đảm bảo vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị, xây dựng môi trường thân thiện từ ngoài đường vào đến khu vườn hoa, sân chơi trong khu vực của 2 tòa chung cư 19T2 và 19T3 đều luôn sạch, đẹp, có rất nhiều cây xanh, được cắt tỉa đẹp tạo cảnh quan cho người dân vui chơi. Việc làm của bà đã nâng cao ý thức của đại bộ phận người dân trong khu dân cư về công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Bà Nguyễn Thị Sáu từng là giáo viên dạy Đại học và Cao đẳng Sư Phạm. Khi về nghỉ hưu (năm 2016), bà được bầu là Chi hội trưởng Chi Hội Phụ nữ tổ 21, phường Kiến Hưng. Bà được quận Hà Đông vinh danh gương điển hình người tốt việc tốt năm 2020 và được khen thưởng có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh 2021.                                                                    

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần