Chuyện về những người lính ở Thủ đô trắng đêm cứu người

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Họ là những người có thâm niên gắn bó cả đời với nghề, hay những chàng trai trẻ đang ở độ tuổi “bẻ sừng trâu” mới chập chững vào nghề… Nhưng điểm chung của người lính cứu hỏa là sự nhiệt huyết, yêu nghề, thậm chí họ sẵn sàng lao vào nơi nguy hiểm đến tính mạng của mình để cứu người trong thời khắc giành lại sự sống, "giành lại cái còn trong cái mất”...

Những tiếng chuông reo lúc nửa đêm
Trong tiết trời mưa bụi phảng phất Xuân, tuy cái lạnh buốt còn xót lại của mùa Đông nhưng cũng khiến cho mọi người ái ngại khi phải bước chân ra đường. Nhưng với các chiến sỹ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) số 12, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội với nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (CNCH) thì công việc tập luyện vẫn không hề có gì thay đổi. Họ vẫn thoăn thoắt với các thao tác: cưa, cắt, khoan, đục, tung lăng… ngoài trời mà quên đi giá rét.
 Các chiến sĩ Cảnh sát PCCC số 12 với công việc tập luyện hàng ngày.

 
Dù đã quá trưa, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 12 Đỗ Anh Quyến vẫn tất bật với công việc... Được giới thiệu, chúng tôi trò chuyện cùng Thiếu tá Bùi Duy Toàn, Phó Đội trưởng Đội PCCC và CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC số 12. Vẻ mặt trầm với nụ cười hiền, Thiếu tá Toàn cho biết, đã 17 năm trong ngành và 12 năm làm công việc PCCC và CNCH. Với anh, công việc luôn mang đến niềm vui, niềm tự hào trong cuộc sống. “Phòng Cảnh sát PCCC số 12 đảm nhiệm trọng trách xử lý sự cố tại địa bàn hai huyện Thường Tín, Phú Xuyên. Lâu nay phòng luôn là mũi tiên phong mỗi khi xảy ra các sự cố cháy, nổ; sạt lở đất đá, sập đổ nhà, công trình, tai nạn giao thông, đuối nước… Mặc dù với địa bàn rộng, nhưng các chiến sỹ luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ”. – Thiếu tá Toàn chia sẻ.
 Thượng tá Đỗ Anh Quyến và Thiếu tá Bùi Duy Toàn chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

Kể về cuộc chiến đấu với “giặc lửa” đáng nhớ năm 2017, Thiếu tá Toàn cho biết, đó là vụ cháy xảy ra vào khoảng 00 giờ 10 phút ngày 10/8/2017, xảy cháy tại nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh giấy vàng mã của gia đình ông Nguyễn Quang Huy (thôn Duyên Trường, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín). Phòng điều động 5 xe chuyên dụng cùng 36 CBCS nhanh chóng đến hiện trường tổ chức chữa cháy và CNCH. Khi tiếp cận, cảnh tượng lửa dữ dội bao trùm nhà rộng lớn chẳng khác nào trong phim ảnh. Hiện trường vụ cháy là ngôi nhà 3 tầng chỉ có 1 lối cửa ra vào, sân phía ngoài được chủ nhà gia cố khung thép mái tôn để tận dụng lấy mặt bằng sản xuất, đám cháy đang phát triển cháy lan mạnh từ tầng 1 lên tầng trên và lan ra sân. Qua trinh sát lực lượng chữa cháy phát hiện tại tầng hai còn 2 nạn nhân bị mắc kẹt trong đám cháy không thể thoát ra ngoài do ngọn lửa đã bao trùm toàn bộ cửa và tầng 2. Lực lượng chữa cháy và CNCH đã quyết định sử dụng thang 2 chữa cháy lên tầng 2 và tầng 3 phá cửa, sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân vượt lửa tiếp cận và đưa 2 nạn nhân ra ngoài chuyển đi cấp cứu…
Trong công tác CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC số 12, trong năm qua đã liên tiếp cứu được nhiều người mắc kẹt khi xảy ra tai nạn giao thông. Thượng tá Nguyễn Anh Quyến, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 12 cho hay: “Với những người đã "lành nghề” thì không sao nhưng lực lượng hầu hết là các chiến sỹ hầu hết đều trẻ, cứu hỏa đã đành nhưng gặp những sự cố tai nạn giao thông thảm khốc thì không ít chiến sỹ trẻ phát hoảng. Đến tôi khi CHCN khá nhiều nhưng tiếp cận đã thấy rùng mình. Những lúc này nhiệm vụ cứu người là trên hết, chúng tôi luôn động viên anh em để các em quen dần mà quên đi những sợ hãi”.
Trắng đêm cứu người
Thượng tá Đỗ Anh Quyến trầm ngâm một lát sau khi kể cho chúng tôi nghe về những vụ tai nạn thương tâm khi anh và đồng đội từng tham gia CNCH… Vào khoảng 3 giờ sáng 28/12/2017, khi người dân còn đang chìm sâu trong giấc ngủ của những ngày đông lạnh, chúng tôi nhận được tin báo xảy ra tai nạn giao thông có người mắc kẹt tại quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội. Các chiến sĩ nhanh chóng đến hiện trường. Lúc này, trinh sát hiện trường phát hiện chiếc xe ô tô mang BKS 29H-048.29 va chạm mạnh với xe tải mang BKS 37C-121.81 đi ngược chiều làm toàn bộ cabin bị bẹp nát. Trên cabin xe ben có 1 nam giới trong tình trạng bất tỉnh, mắc kẹt bên trong.
 Các chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC số 12 cứu nạn trong vụ tai nạn vào tháng 11/2017.

 
Xác định vị trí mắc kẹt của nạn nhân, các chiến sĩ đã sử dụng banh cắt thủy lực, kìm cộng lực, thiết bị kích thủy lực đẩy các cấu kiện trong cabin xe tạo đủ không gian để có thể cứu nạn nhân mắc kẹt trong cabin ra ngoài và đưa đi cấp cứu. Sau hơn 1 giờ  cứu nạn cứu hộ tích cực khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, lực lượng CNCH của Phòng Cảnh sát PCCC số 12 đã giải cứu thành công, đưa nạn nhân ra ngoài chuyển lên xe cứu thương đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Theo các y, bác sĩ tại bệnh viện, rất may nạn nhân được cứu kịp thời, nếu chỉ chậm chút nữa thì tính mạng nạn nhân sẽ rất khó lường.
Với Thiếu tá Bùi Duy Toàn, Phó phòng Cảnh sát PCCC số 12, người trực tiếp chỉ huy cứu hộ hàng trăm vụ tai nạn giao thông, cháy… nhưng mỗi lần làm nhiệm vụ, phải chứng kiến những vụ tai nạn thảm khốc mà khi đến nơi nạn nhân đã tử vong, anh lại có nỗi niềm day dứt. “Tôi phải tự động viên mình và các anh em cán bộ chiến sĩ dũng cảm lao vào hiểm nguy cứu người bị nạn. Từng lao vào hàng nghìn đám cháy để giải cứu người, chứng kiến và cứu nạn hàng trăm vụ tai nạn giao thông thảm khốc có người mắc kẹt, nhưng mỗi lần trở về nhà tôi vẫn nhiều đêm liền mất ngủ, ám ảnh trước những sinh mạng con người như vụ tai nạn xảy ra vào đêm 19/11/2017 tại Km 196+265 cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ hướng từ Hà Nam đi Hà Nội đoạn qua địa phận xã Quất Động, huyện Thường Tín. Hậu quả khiến một đôi nam nữ tử vong trên cabin xe tải…”. – Thiếu tá Toàn chia sẻ.
Chiến sỹ trẻ tham gia CNCH vụ tai nạn là Đặng Bảo Quý, cùng với đồng đội là những người lính trẻ khi chứng kiến đầu xe tải bẹp rúm, nát bét, nạn nhân tử vong nhìn đã thấy rùng mình. Quý bộc bạch: “Ban đầu chúng tôi thực sự kinh hãi, nhưng mình làm việc vì cái tâm với nghề và vì người khác. Nghĩ rằng, nghĩa tử là nghĩa tận! nạn nhân không còn sống thì cũng phải nhanh chóng đưa họ ra khỏi hiện trường. Lúc đó, tôi quên đi sợ hãi. Khi xong việc, trở về đơn vị, những hình ảnh ấy cứ ám ảnh khiến tôi vài đêm không thể ngủ. Tuy nhiên, cứu nạn nhiều lần rồi cũng thành quen…”.
Cứ hết lửa khói, tai nạn, vụ này đến vụ khác, người lính lại trở về với các chương trình huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ khắt khe và thường xuyên. Với họ luôn mang trong tâm mình phương châm “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Để từ đó, bản lĩnh của những người đồng chí, đồng đội đang khoác trên mình màu áo người lính PCCC và CNCH tiếp tục được tôi luyện qua khó khăn, thử thách. Dù đang nghỉ ngơi nhưng lúc nào họ cũng trong tâm thế sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ mỗi khi khi có chuông reo. Dù vất vả, hiểm nguy, thậm chí ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh nhưng mỗi khi cứu được các nạn nhân ra khỏi hiện trường hỏa hoạn, tai nạn, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản cho nhân dân, những người lính lại thấy niềm vui, hạnh phúc và tự hào. Một mùa Xuân mới nữa lại về, trong niềm hứng khởi, háo hức ấy, những người lính cứu hỏa càng thấy yêu đời, yêu nghề để tiếp tục gắn bó hơn với nghề mình đã chọn!

 Năm 2017, trên địa bàn 2 huyện Thường Tín, Phú Xuyên đã xảy ra 10 vụ việc yêu cầu CNCH (3 vụ CNCH trong đám cháy, CNCH đuối nước 2 vụ, CNCH tai nạn giao thông 4 vụ, CNCH rò rỉ khí NH3 1 vụ). Đơn vị đã phối hợp với các đơn vị liên quan tìm kiếm được 4 nạn nhân đuối nước, cứu được và hướng dẫn thoát nạn 19 nạn nhân tai nạn giao thông; cứu được 4 nạn nhân trong đám cháy; xử lý thành công 1 vụ rò rỉ khí NH3.

(Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 12).