Chuyện về “ông Thanh cứu thương”

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một ngày đầu năm 2018, có dịp về thăm thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, chúng tôi được nghe người dân kể lại “sự tích” chiếc xe cứu thương của ông Vương Văn Thanh. Thường ngày, họ vẫn gọi ông bằng cái tên trìu mến “ông Thanh cứu thương”.

25 năm giúp người

25 năm qua, không quản ngại gần xa, ngày đêm hay lễ, Tết, cứ có cuộc gọi đến là ông Vương Văn Thanh (71 tuổi, tổ 8, khu Chiến Thắng, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ) lại lên đường trợ giúp những nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT) bất kể xa gần. Cũng chừng ấy thời gian, chiếc xe cứu thương của ông là phương tiện duy nhất ở thị trấn Xuân Mai dùng để chở người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, những người bị TNGT đi cấp cứu.

Tâm sự với chúng tôi, ông nói, từng là lái xe cứu thương và tham gia vào đội Xung kích của Bộ GTVT, năm 1990, do sức khỏe yếu nên ông xin nghỉ hưu sớm. Để trang trải cuộc sống, ông mua xe khách chạy tuyến Xuân Mai - Hà Nội. Nhưng vì chứng kiến quá nhiều vụ TNGT thương tâm xảy ra, mà cả thị trấn không có xe cấp cứu, do vậy, năm 1994, ông đã đăng ký chuyển hẳn sang hoạt động cứu thương với các bệnh viện, lực lượng công an địa phương. Ông đã sắm hai chiếc xe cứu thương. Một chiếc chuyên chở nạn nhân đã tử vong, một chiếc chở người bị tai nạn vào bệnh viện cấp cứu. Thông thường, mỗi chuyến xe cấp cứu, người nhà nạn nhân vẫn trả công cho ông. Nhưng cũng không thể đếm xuể biết bao hoàn cảnh thương tâm, những gia đình có người bị tai nạn được ông giúp đỡ. Ông nói: “Tôi chở người ta đến bệnh viện rồi quay về, nhiều trường hợp không biết họ là ai và cũng không gặp lại họ lần nào. Cũng có người quay lại cảm ơn và gửi tiền, nhưng tôi thấy họ đa phần có hoàn cảnh khó khăn nên không lấy. Mình có tuổi rồi, làm được gì cho đời thì cứ làm”.

Ông Vương Văn Thanh cùng 2 chiếc xe cứu thương. Ảnh: Trần Thảo

Nhớ lại những ngày đầu tiếp xúc với nghề, ông tâm sự, lúc đầu, cũng sợ lắm. Không biết bao đêm, ông phải giật mình thon thót bởi những cơn ác mộng len lỏi vào giấc ngủ. Nhiều khi, tối đến, ông không dám ra khỏi nhà. Thế mà, từ đó đến nay, thấm thoát đã 25 năm, ông chai sạn dần với việc chở tử thi, ăn, ngủ cùng tử thi, giúp cơ quan chức năng “nhặt” từng bộ phận thi thể nạn nhân, khâm niệm tử thi… Ông không nhớ mình đã chở bao nhiêu người đi cấp cứu, ông chỉ nhớ, hầu như ngày nào, kể cả ngày lễ, Tết cũng đưa người tới bệnh viện, không tai nạn thì cũng ốm đau, bệnh tật. Nhiều người còn lưu số điện thoại của ông đề phòng trường hợp cần. Ngay cả công an địa phương, khi có tai nạn xảy ra trên địa bàn thì việc đầu tiên cần làm là gọi điện cho ông Thanh. “Lúc nào nhà tôi cũng có người túc trực, sẵn sàng chạy xe khi có người cần giúp đỡ. Bản thân tôi nghĩ rằng, trong lúc khốn khó ấy, họ rất cần đến mình nên nhiều khi, tôi không dám đi chơi, dù chỉ sang nhà hàng xóm…” - ông tâm sự. Nhiều đêm, ông nhận được cuộc gọi, vợ ông cũng dậy theo rồi ngồi chờ ông đến sáng... “Thương chồng, vì có những đêm mưa, gió, rét, phải nằm cùng với tử thi mà không có gì ăn... nhưng tôi vẫn động viên ông ấy, cứu giúp người là “phúc đức để lại cho con cháu” - vợ ông chia sẻ.

Nhiều hiểm nguy

Trong các chuyến làm việc thiện, ông dường như đã quen dần với việc chở những nạn nhân bị HIV/AIDS, bị nghiện ma túy đá. Còn nhiều lắm, những câu chuyện khó quên, khiến ông day dứt, tủi hờn, bởi đã có những người đã nghi ngờ lòng tốt của ông, thậm chí còn gọi ông là “ông điên”, “xe điên”. Mở ví cho chúng tôi xem một tập giấy tờ tùy thân của các nạn nhân TNGT, ông bảo: “Đợt vừa rồi, do mưa bão, nhà bị ngập lụt nên giấy tờ tùy thân của các nạn nhân bị mất, chỉ còn lại một nửa”. Rất nhiều nạn nhân không có giấy tờ tùy thân. Có những nạn nhân, có giấy tờ tùy thân, liên lạc được với gia đình nhưng có khi ông chỉ nhận được cuộc điện thoại cảm ơn, có khi còn chẳng được lời cảm ơn nào. Nhưng ông vẫn tươi cười: “Vì đây là việc mình đã chọn, ai bị nạn ở đâu mình cứu giúp ở đó, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Từ năm 1994 đến nay, vẫn còn 3 nạn nhân chưa tìm thấy thân nhân, gia đình”.

Đưa ánh mắt nhìn hai chiếc xe cứu thương, ông thở dài, tự vấn: “Sau này, khi tuổi cao sức yếu thì ai là người thay thế mình làm việc này đây?”. Nhưng trong giây phút suy tư ấy, khuôn mặt ông bỗng trở nên rạng ngời và tự hào hơn khi cô cháu gái Vương Xuân Mai (bị mẹ bỏ rơi và được ông đem về nuôi từ năm 2000) từ trong nhà bước ra khẳng định với chất giọng đanh thép, đầy bản lĩnh: “Con sẽ là người kế nghiệp ông”. 18 năm qua, Xuân Mai lớn lên cùng với những ý chí, tinh thần, bản lĩnh “thép” được tôi luyện, rèn rũa qua mỗi lần đi cùng ông.

Dù là một công việc đặc biệt vất vả và có cả nguy hiểm, nhưng ông Thanh luôn giữ cho mình một ngọn lửa yêu đời. Ai đã từng gặp đều cảm nhận được ở ông sự hăng hái, nhiệt huyết và cả tấm lòng nhân ái, sẻ chia. Sự ghi nhận đó là nguồn cổ vũ rất lớn để người đàn ông 71 tuổi này tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cuộc sống.

Đã không ít lần, ông phải nằm cạnh tử thi trên xe giữa trời mưa gió. Nhớ lại vụ TNGT nghiêm trọng ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Chương Mỹ cách đây mấy tháng, khiến khuôn mặt của nạn nhân bị biến dạng. Lúc đó, CSGT gọi ông giúp vì nạn nhân không có gia đình. Nhưng sau 3 ngày 3 đêm, vẫn không thấy gia đình nạn nhân đến nhận, ông và lãnh đạo địa phương phải tìm nơi an nghỉ cho nạn nhân. Trong thời gian ấy, dù không muốn nhưng ông đã phải ăn, ngủ cạnh tử thi vì không nhà xác nào nhận. “Nhiều người bảo tôi cứ bỏ tử thi đấy sao phải khổ nhưng tôi nghĩ, mình đã giúp thì giúp cho chót, mưa gió thế này, vứt quan tài bên đường cũng tội. May mắn tôi có người bạn ở Văn Điển đã nhận giúp” - ông Thanh kể lại.