Có 1 đơn vị mua điện, không thể có cạnh tranh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương phải chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy điện mới sớm hoàn thiện để tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh; hoàn thành thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6.

Chỉ khi nào có được một thị trường điện cạnh tranh đầy đủ, mới thực sự có sự đồng thuận của nhân dân về công khai, minh bạch giá điện. Do đó, phải rút ngắn lộ trình thị trường điện cạnh tranh là câu hỏi và giải đáp của Chính phủ.

Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành khẳng định, từ tháng 7/2012 - thời điểm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh chính thức (thuộc cấp độ đầu tiên của thị trường điện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) đến nay, thị trường này đã được vận hành thường xuyên, liên tục, không gián đoạn. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.
Tư vấn nước ngoài cũng đánh giá thị trường điện Việt Nam đã vận hành theo đúng thiết kế, tính cạnh tranh, minh bạch trong vận hành cũng như trong điều hành hệ thống. Trên hệ thống điện quốc gia đang tiếp nhận nguồn phát từ hơn 100 nhà máy điện, thì có 48 nhà máy tham gia trực tiếp vào thị trường điện, chiếm 44% công suất toàn hệ thống, bảo đảm được tính cạnh tranh của thị trường này - ông Dương Quang Thành nhấn mạnh.

Thực tế này cũng được đại diện Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam - một trong 3 trụ cột chính của ngành điện khẳng định. Cụ thể, tập đoàn hiện có nhà máy điện Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Hủa Na và sắp tới là thủy điện Dăkring tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. 

Từ khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của những nhà máy này được nâng lên. Đặc biệt, các nhà máy nhiệt điện khí áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất và có hiệu suất vận hành cao nhất, nên khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh đã phát huy tốt vai trò, hiệu quả. Nói cách khác, đến nay, sự tham gia của các nhà máy điện của tập đoàn vào thị trường phát điện cạnh tranh, cũng như sự chuẩn bị cho thị trường bán buôn cạnh tranh đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, sau hơn 2 năm hoạt động chính thức, thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Các tập đoàn điện lực, dầu khí, than - khoáng sản và những doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực này đã tham gia và phối hợp có hiệu quả. Phó thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện, phát triển thị trường phát điện cạnh tranh, khắc phục những điểm còn hạn chế và chuẩn bị các điều kiện để hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo đúng lộ trình đã được phê duyệt. 

Theo đó, cần tiếp tục rà soát các quy trình thanh toán trong thị trường phát điện cạnh tranh, bảo đảm tính chặt chẽ, công bằng và phù hợp với các quy định hiện hành về công tác kế toán, tài chính; thực hiện đầu tư nâng cấp, đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin và phát triển lưới điện truyền tải bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy trong các chế độ vận hành của thị trường điện; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2015.

Cùng với yêu cầu bảo đảm thực hiện lộ trình thị trường điện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu tính công khai, minh bạch và cạnh tranh trong quá trình triển khai từng cấp độ của thị trường. Trong đó, xác định lộ trình tách Cơ quan điều tiết điện lực độc lập, phát triển Hội đồng/Ủy ban điều tiết điện lực trong tương lai; xây dựng cơ chế tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh cho các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu để có thể khai thác hiệu quả, đáp ứng các nhiệm vụ của công trình…

Để sớm hình thành và vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh - cấp độ thứ 2 của thị trường điện, giới chuyên gia cho rằng, cùng với việc mở rộng, đa dạng công suất nguồn tham gia thị trường này, phải sớm thành lập thêm các công ty mua bán điện tham gia thị trường. 

Trên thực tê,ë hơn 2 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, vẫn chỉ có 1 đơn vị mua duy nhất là EVN (thông qua một công ty mua bán điện) nên giá chào trên thị trường chưa linh hoạt. Chỉ khi có nhiều người mua, với nhiều loại giá mới giảm được độc quyền, tính cạnh tranh sẽ cao hơn. Việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các tổng công ty phát điện (genco) còn là cơ sở để rút ngắn được lộ trình thị trường điện./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần