Có công trình cắt giảm chi phí đến 20%

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm 2015, công tác quản lý đầu tư xây dựng được đổi mới và tăng cường theo quy...

Kinhtedothi - Trong năm 2015, công tác quản lý đầu tư xây dựng được đổi mới và tăng cường theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thực hiện, góp phần tích cực chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Tại hội nghị Triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 của ngành Xây dựng, sáng nay (15/1), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá, công tác quản lý chất lượng công trình, quản lý chí phí xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng 2014 và các Nghị định hướng dẫn thực hiện đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc và đi vào nền nếp.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Thông qua việc thẩm định thiết kế, dự toán, kiểm tra công tác nghiệm thu của các cơ quan chuyên môn về xây dựng đã góp phần tích cực phòng chống thất thoát, lãng phí, khắc phục các sai sót về thiết kế, khắc phục được các khiếm khuyết về chất lượng trước khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Đại diện, tỉnh An Giang cho biết, qua việc thực hiện các quy định mới đã tiết giảm chi phí cho các dự án vốn đầu tư ngân sách được 65 tỷ đồng, tương đương hơn 7%.

Kể từ khi thực hiện việc thẩm tra, thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán theo quy định của Nghị định 15/2013/NĐ-CP và Luật Xây dựng 2014 đến nay, tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm tra, thẩm định vào khoảng 9,2% trong năm 2013, khoảng 5,39% trong năm 2014, khoảng 5,02% trong năm 2015, trong đó có những công trình tỷ lệ cắt giảm chi phí lên đến 20%; tỷ lệ hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung thiết kế vào khoảng 25% trong năm 2013, khoảng 43,8% trong năm 2014, khoảng 26,4% trong năm 2015, qua đó phòng ngừa được nhiều rủi ro về chất lượng công trình.

Thông qua việc kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào khai thác sử dụng, cơ quan chuyên môn về xây dựng đã phát hiện một số tồn tại, sai sót trong công tác khảo sát, thiết kế, quản lý chất lượng, giám sát thi công xây dựng và yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu chấn chỉnh kịp thời.

Nhìn chung, kết quả tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2015 đã có sự đóng góp tích cực của ngành Xây dựng. Ông Trần Trọng Tuấn, giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, khu vực xây dựng đóng góp 0,56% trong 9,87% GDP của TP. Chiếm tỷ trọng chủ yếu là ngoài nhà nước 82,7%; công trình nhà ở chiếm 52,3%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần