Có đẩy lùi được tín dụng đen?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt song đến nay tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Để đẩy lùi vấn nạn này, cần thiết phải phát triển tín dụng tiêu dùng, đẩy mạnh các kênh cho vay chính thống, tạo điều kiện để mọi người dân dễ dàng tiếp cận vốn

Lấy tín dụng chính thống đẩy lùi tín dụng đen
Theo NHNN, đến ngày 27/3, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 7,39 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 1,82 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2018.
Cho vay tiêu dùng trong thời gian qua cũng có mức tăng trưởng ấn tượng, với mức trung bình trong 5 năm qua đã đạt 38%, trong đó, có năm lên cao nhất đạt tới mức tăng 63,8% (trong khi tín dụng chung chỉ tăng khoảng 14 - 16%).
Nếu như cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng nói chung khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế thì đến cuối năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (gấp 4,8 lần năm 2012), chiếm khoảng 18% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, có nhiều địa phương tăng cho vay tiêu dùng rất mạnh. Theo lãnh đạo NHNN, những con số này cho thấy không chỉ sản xuất kinh doanh mà nhu cầu vốn cho tiêu dùng cũng rất cao.
 Một quảng cáo cho vay nặng lãi ở Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Thống kê cho thấy, Ngân hàng Agribank đang cung ứng tín dụng cho gần 4 triệu hộ nông dân và cá nhân. Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biết, Agribank đã triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng, cho vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, với mô hình lưu động đưa vốn đến người dân vùng sâu, vùng xa…
Trong khi đại diện NHCSXH chia sẻ, đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay đối với nhóm hộ nghèo và sắp tới đưa thêm một gói tín dụng cho những hộ thoát nghèo và đặc biệt là không gò bó lãi suất. Với Ngân hàng LienVietPostBank, trong năm 2019, dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay khu vực Tây Nguyên với gói tín dụng dự kiến 5.000 tỷ đồng cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Cần cơ chế cho vay hợp lý
Tín dụng chính thức đang phủ kín nhưng tại sao tín dụng đen vẫn tăng? Khảo sát tại 8 tỉnh, khu vực Tây Nguyên của NHNN mới đây cho thấy, nhu cầu vay qua tín dụng đen của người dân vùng sâu, xa là rất lớn.
Ngoài ra, tín dụng đen hút được là nhờ thủ tục cho vay quá dễ dàng đáp ứng nhu cầu vay nhanh, vay nóng của người dân cho mục đích cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Vì vậy, theo khuyến nghị của các chuyên gia, thay vì “đấu trực tiếp” bằng cách tập trung tăng quy mô vốn, các ngân hàng nên chọn cách “đấu gián tiếp” thông qua việc cải thiện thủ tục vay vốn nhanh gọn, thuận lợi hơn để người dân tiếp cận khoản vay một cách hiệu quả hơn.
Để đạt mục tiêu này, NHNN đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN, quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC). Nhiều ý kiến cho rằng quy định mới này siết chặt việc cho vay tiền mặt có thể khiến phân khúc này giảm tốc, khách hàng có nhu cầu không dễ vay tiền mặt như trước, khó đẩy lùi tín dụng đen như NHNN mong muốn.
Ngoài những nội dung chặt chẽ hơn với hoạt động đòi nợ, dự thảo mới cũng siết chặt hoạt động cho vay tiền mặt của các CTTC. Theo đó, CTTC chỉ được giải ngân trực tiếp với khách hàng vay có lịch sử trả nợ tốt và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nợ của CIC khi ký hợp đồng.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC), dự thảo sẽ không cho phép các CTTC cho những khách hàng không có thông tin tín dụng vay tiền mặt. Ngoài ra, dự thảo cũng “khóa” bằng cách đề xuất tỷ trọng cho vay tiền mặt không quá 30% tổng dư nợ cho vay của các CTTC. HSC đánh giá, các CTTC lớn như FE Credit, Home Credit, HD Saison (hiện nắm 88% thị phần) có thể bị ảnh hưởng đáng kể nếu Thông tư được ban hành.
Theo các chuyên gia, hệ thống ngân hàng cần có trách nhiệm đưa vốn đến người dân, chỉ đạo các TCTD này xây dựng các chương trình tín dụng phù hợp, đáp ứng những nhu cầu tín dụng chính đáng. Bởi dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, trong khi những đóng góp của tiêu dùng đối với tăng trưởng kinh tế là rất tích cực. Chính vì vậy, khi điều chỉnh các chính sách cho vay với lĩnh vực tiêu dùng cũng cần hài hòa các mục tiêu, vừa kiểm soát được hoạt động cho vay nhưng đồng thời phải đảm bảo sát thực tiễn mới hy vọng mang lại lợi ích cả về kinh tế và hiệu quả xã hội.

Trả lời báo chí về hướng sửa của Thông tư 43/2016/TT-NHNN, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, quan điểm của NHNN là không hạn chế, không phủ nhận vai trò của các CTTC với cho vay tiêu dùng vì nó giải quyết trực tiếp nhất những nhu cầu vay của người dân nhưng làm sao ngăn chặn mặt trái của việc cho vay như đẩy lãi suất lên quá cao. Do đó, NHNN đang tiếp tục điều chỉnh. Dự thảo sửa đổi Thông tư 43 tạm thời mới đưa ra để xin ý kiến về tỷ lệ giải ngân bằng tiền mặt, cho vay trực tiếp bằng tiền mặt hay nhiều phương án khác để quản lý tốt hơn.