Có gần dân, hiểu dân mới phục vụ tốt hơn

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nỗ lực nắm bắt xu hướng xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh trên thế giới, Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, bắt đầu từ việc xây dựng chính quyền gần dân, vì lợi ích thiết thực của người dân để phục vụ.

Công chức bộ phận một cửa xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm hướng dẫn công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
62% thủ tục được thực hiện trực tuyến
Với mục tiêu tiến gần chính quyền điện tử, gần đây, việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước từ TP đến cấp xã không chỉ giúp chính quyền chỉ đạo, điều hành tốt hơn, còn mang lại hiệu quả rõ nét trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) và người dân. Trong đó, nổi bật là TP triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) dùng chung cung cấp DVC mức độ 3, 4 trên nền tảng đồng bộ tại các quận, huyện, xã, phường và hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp nhằm đến năm 2020 có 100% TTHC thực hiện mức độ 3, 4. Đến giữa năm 2019, toàn TP có 1.120 TTHC được triển khai DVCTT mức độ 3, 4, đạt 62% (trong đó 142 TTHC mức độ 4).

Văn phòng UBND TP là cơ quan thường trực về kiểm soát TTHC cần chủ trì tọa đàm trực tuyến xem các quận, huyện vướng mắc gì để tháo gỡ; trong đó cấp sở và cấp huyện phải có thống nhất trên toàn TP về những TTHC được đưa lên thực hiện mức độ 3, 4. Đồng thời sớm chuẩn hóa, tham mưu công bố được danh mục TTHC thực hiện một cửa, một cửa liên thông theo Nghị định 61, để trên cơ sở đó, các quận, huyện rõ được TTHC nào thực hiện mức độ 3 hay mức 4.

Trưởng phòng Tư pháp huyện Gia Lâm Nguyễn Đình Quang

Để ngày càng mang dịch vụ tốt nhất đến gần người dân, nhiều phường ở Bắc Từ Liêm cũng có những cách làm sáng tạo. Như ở Phú Diễn, lãnh đạo phường đã chỉ đạo tạo nhóm zalo để đôn đốc xử lý hồ sơ và trả kết quả cho công dân, giúp sau thời gian thực hiện phần mềm dùng chung 3 cấp đến nay chưa có hồ sơ bị quá hạn.
Ngay tại các huyện, xã có trình độ dân trí hạn chế, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cũng tăng đáng kể. Trong gần 13.000 hồ sơ được tiếp nhận trên toàn địa bàn huyện Gia Lâm 7 tháng đầu năm nay, số hồ sơ nộp trực tuyến đạt gần 93%, trong đó cấp xã 99,9%. Tháng 7/2019, huyện đã phát động cuộc thi “Tìm hiểu DVCTT trên địa bàn Gia Lâm”, hướng tới 100% CBCC và học sinh 12 tuổi trở lên tại các trường THCS trên địa bàn. Thông qua hình thức tuyên truyền đa dạng, đến giữa tháng 8/2019, cuộc thi đã thu hút gần 2.500 người tham gia.
Là địa bàn triển khai sớm trả kết quả hồ sơ tận nhà người dân, phường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) gần đây đã thí điểm “khu dân cư điện tử” tại Khu chức năng đô thị Tây Mỗ để thuận lợi cho công dân giao dịch TTHC tư pháp - hộ tịch. Đặc biệt, mỗi khi có việc đến UBND phường, người dân cảm nhận rõ thay đổi tích cực của bộ phận một cửa, từ thiết bị hỗ trợ thực hiện DVCTT, nước uống, wifi miễn phí… cho đến những “nụ cười công sở” của CBCC. Lãnh đạo phường còn gửi thư “xin lỗi”, “cảm ơn”, “chúc mừng”, “chia buồn” thể hiện sự quan tâm khi người dân có việc liên quan chính quyền. Những hình ảnh, hành động ấy giúp mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện, trách nhiệm” ở Đại Mỗ được người dân đánh giá cao; chính quyền ngày càng gần gũi, người dân không còn e ngại khi phải đến cơ quan hành chính.
Thuận lợi hơn cho cán bộ, người dân
Dù đã đạt thành công bước đầu, song việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền gần dân được CBCC cơ sở phản ánh vẫn còn không ít khó khăn. Nhiều CBCC đề nghị quy rõ trách nhiệm mọi người tham gia quy trình giải quyết TTHC qua phần mềm một cửa dùng chung 3 cấp trong cung cấp DVCTT.
Bởi trên thực tế khi thực hiện DVCTT mức độ 3, 4 vẫn gặp vướng chủ yếu là đường truyền và máy chủ không đáp ứng được lượng truy cập quá lớn của các đơn vị. Nhiều lỗi có thể khắc phục qua trực tuyến, song bởi cả địa bàn TP chỉ do một đơn vị tư vấn nên không thể đáp ứng ngay một lúc, có khi phải “khất” vài ngày. “Công dân gửi hồ sơ trực tuyến mà CBCC không thể tiếp nhận ngay vô hình chung khó khăn bị đẩy về phía CBCC. Vì vậy, chúng tôi mong sớm cải tiến hệ thống phần mềm DVCTT của TP để vừa đỡ khổ cho CBCC, vừa đỡ mất thời gian cho người dân” - chị Trần Thùy Dương (quận Hai Bà Trưng) thẳng thắn nói.
Trưởng phòng Tư pháp huyện Gia Lâm Nguyễn Đình Quang đề xuất, để nâng chất lượng thực hiện DVCTT, quan trọng nhất là toàn bộ cơ sở dữ liệu về hộ tịch, địa chính, xây dựng... phải được số hóa. Khi đó, muốn đăng ký khai sinh, nếu các dữ liệu đăng ký kết hôn, CMND, hộ khẩu đã được số hóa, người dân chỉ cần “quét” thêm giấy chứng sinh là xong. Đồng thời, cần đa dạng hình thức để người dân quét dữ liệu dễ tiếp nhận. Hiện cơ quan hành chính mới chấp nhận quét trên máy tính, điện thoại và có file đính kèm, chia rất nhỏ các file; trong khi zalo đã rất phổ biến. Nên có thể cho người dân đính zalo của công chức nhận hồ sơ; công chức chỉ cần vào zalo kiểm tra, thiếu thành phần hồ sơ nào thì đề nghị người dân gửi thêm qua đó.