Cơ giới hóa nông nghiệp tại Hà Nội: Nền móng vững chắc cho sản xuất hàng hóa

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù một số chỉ tiêu chưa đạt được như kỳ vọng, song kết quả sau 4 năm thực hiện Đề án cơ giới hóa (CGH) nông nghiệp đã bước đầu mang lại khí thế mới và đặt nền móng vững chắc cho phát triển sản xuất nông nghiệp Thủ đô theo hướng hàng hóa.

Kết quả đáng ghi nhận
Áp dụng CGH là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp trong bối cảnh phát triển sản xuất hàng hóa, tái cơ cấu mạnh mẽ và hội nhập kinh tế quốc tế. Nắm bắt được yêu cầu và xu thế đó, ngay từ năm 2013, UBND TP đã phê duyệt “Đề án phát triển CGH nông nghiệp TP Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến năm 2020” nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm nông nghiệp. Đề án ra đời trong bối cảnh thuận lợi là phong trào dồn điền đổi thửa được thực hiện rộng rãi trên phạm vi toàn TP với kết quả đạt được đến nay vượt xa mong đợi. Bên cạnh đó, Thành ủy, HĐND, UBND TP và các huyện, thị xã cũng rất quan tâm đến chính sách hỗ trợ đẩy mạnh CGH nông nghiệp. Đơn cử, huyện Phú Xuyên có cơ chế hỗ trợ 70 triệu đồng/máy cày, huyện Thanh Oai và Thanh Trì hỗ trợ 50% giá trị máy, thiết bị CGH cho HTX dịch vụ nông nghiệp...
 Ứng dụng máy gặt đập liên hợp tại xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Thiện
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, đơn vị được Sở NN&PTNT Hà Nội giao chủ trì thực hiện đề án đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyên sâu và diện rộng cho cả đội ngũ kỹ thuật viên cơ sở cùng nông dân về quản lý, sử dụng, vận hành, bảo dưỡng máy, thiết bị CGH nông nghiệp. Sau 4 năm thực hiện, giờ đây, những chiếc máy cày, máy cấy, máy gặt đập liên hợp chạy trên cánh đồng, máy vắt sữa bò, thái cỏ trong các trang trại chăn nuôi... đã là hình ảnh không còn xa lạ với người nông dân. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, đến nay tỷ lệ CGH trong khâu làm đất của TP đã đạt 95% (vượt 5,6% so với kế hoạch), CGH khâu thu hoạch đạt 52% (vượt 22%). Tỷ lệ CGH ở một số khâu trong chăn nuôi, thủy sản cũng đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Bà Vũ Thị Hương – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Hà Nội chia sẻ, kết quả của đề án CGH đã làm thay đổi đáng kể nhận thức và tập quán canh tác của người nông dân, từ cách làm nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung quy mô lớn. Đáng ghi nhận là việc ứng dụng CGH đã góp phần giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng ssản uất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Cụ thể, theo tính toán, đầu tư CGH đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi từ 10 - 15%, giảm chi phí sản xuất từ 0,7 - 2,8 triệu đồng/ha/vụ sản xuất, hiệu quả kinh tế tăng từ 1,15 - 1,2 lần so với lao động thủ công.
Nâng mức hỗ trợ
Mặc dù đã đạt những kết quả khả quan, nhưng sau 4 năm triển khai đề án CGH, một số chỉ tiêu vẫn chưa đạt được theo kế hoạch như tỷ lệ ứng dụng CGH trong khâu cấy, phun thuốc trừ sâu, vắt sữa, hệ thống làm mát chuồng trại và cho ăn bán tự động trong chăn nuôi lợn. Đánh giá một cách khách quan, mức độ CGH nông nghiệp của Hà Nội còn thấp so với cả nước và một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Hơn nữa, trình độ CGH lại chưa mang tính đồng bộ mà còn rời rạc từng khâu.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc nhận định, CGH trong nông nghiệp chủ yếu mới tập trung vào khâu làm đất, còn khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản chưa được quan tâm đầu tư nên hiệu quả sản xuất còn thấp. Đáng nói, chính sách thúc đẩy CGH của T.Ư còn chậm, chưa sát với thực tế phát triển của các địa phương và sản xuất nông nghiệp. Tương tự, chính sách của TP dù đã ban hành nhưng còn thiếu thực tế nên mặc dù nhu cầu đầu tư CGH vẫn tăng nhưng không được người dân tiếp nhận. “Chính sách hỗ trợ trực tiếp thấp, vay vốn ngân hàng khó khăn, tổ chức triển khai chính sách chậm nên sau gần 4 năm mới có 122 hộ nhận tiền hỗ trợ lãi suất mua máy móc CGH với số tiền trên 4 tỷ đồng” – ông Ngọc cho hay.
Chính vì vậy, để đẩy mạnh phát triển CGH nông nghiệp trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của cả Chính phủ, TP cũng như các huyện, thị xã. Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị UBND TP đề xuất HĐND TP xem xét nâng mức hỗ trợ mua máy móc thiết bị để khuyến khích người dân đầu tư mua máy tốt, mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, nâng mức hỗ trợ trực tiếp 50%, tối đa không quá 150 triệu đồng/máy, thiết bị. Cùng với đó, theo Sở NN&PTNT, một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch đồng ruộng, khuyến khích tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi nội đồng, điện, nước… để tạo thuận lợi cho việc ứng dụng CGH.
Đến năm 2016, toàn TP có 5.669 máy làm đất, tăng 932 máy so với trước năm 2013; 272 máy cấy, tăng 268 máy; 990 máy phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ, tăng 470 máy; 872 máy gặt đập liên hợp, tăng 475 máy so với trước khi triển khai đề án CGH.
Đề án CGH đặt mục tiêu đến năm 2020, nâng tỷ lệ CGH trong khâu làm đất lên trên 95%, khâu cấy lên 40%, gặt đập lên 60%. Trong chăn nuôi, nâng tỷ lệ CGH khâu thái cỏ lên 90%, khâu vắt sữa lên 90%, làm mát chuồng trại lợn, gà đạt 30%...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần