Cơ giới hóa sản xuất lúa

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này, dù thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng nông dân các huyện ngoại thành vẫn khẩn trương ra đồng thu hoạch lúa Xuân. Nhờ tích cực đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch mà nỗi vất vả của bà con đã vơi đi phần nào.

 Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn tại xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ánh Ngọc
Gặt để tránh nắng
Từ sáng sớm, cánh đồng xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa đã thấp thoáng những chiếc máy gặt cỡ lớn. Bà con nông dân người đứng trên bờ đón những bao lúa được thả xuống khỏi máy gặt, người thì chờ đợi đến lượt máy sang ruộng nhà mình thu hoạch. Quệt vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, bà Đinh Thị Như, ở thôn Viên Nội, xã Vạn Thái cho hay: “Mấy ngày nay nắng nóng như đổ lửa nên nhà nào cũng tranh thủ gặt từ sáng sớm, thậm chí tối khuya vì trời càng nắng lúa càng chín nhanh”. Gần đó, hộ ông Nguyễn Văn Khôi có hơn 1 mẫu lúa nhưng chỉ trong 1 ngày đã thu hoạch xong nhờ gọi được máy gặt xuống đồng từ 4 giờ sáng. Ông Khôi cho hay: “Dù nắng nóng, thu hoạch lúa vất vả nhưng đổi lại lúa vụ này được mùa nên chúng tôi cũng cảm thấy được động viên phần nào”.

Ngày mùa của nông dân xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức bắt đầu từ khoảng 4, 5 giờ sáng. Gặt lúa vào thời điểm này, bà con tránh được cái nắng hầm hập, lại tranh thủ được thời tiết thuận lợi để phơi thóc. Bà Nguyễn Thị An, thôn Thượng, xã Phù Lưu Tế chia sẻ: “Nhà tôi có 6 sào lúa, cứ chín đến đâu là thu hoạch đến đó. Mặc dù gia đình có nhân công lao động nhưng để rút ngắn thời gian, tôi vẫn thuê máy gặt để dành thời gian phơi lúa và gieo mạ cho vụ Mùa”. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Nguyễn Hải Hồng cho hay, dù mới bước vào vụ thu hoạch được 5 ngày, song hơn 90% diện tích cấy lúa của huyện đã được gặt xong. Vụ này, Mỹ Đức giành thắng lợi với hai giống lúa chủ đạo là Khang dân 18 và Thiên ưu 8 cho năng suất vượt trội, đạt gần 70 tạ/ha.

Giảm chi phí, nâng thu nhập

Với nhiều người nông dân các huyện ngoại thành, việc thuê máy gặt đập liên hoàn luôn là lựa chọn tối ưu trong vài vụ gần đây do tiết kiệm được đáng kể chi phí sản xuất. Thời điểm này, giá thuê nhân công lên đến 200.000 đồng/công/ngày trong khi giá dịch vụ thuê máy gặt đập chỉ dao động từ 120.000 – 150.000 đồng/sào. Nếu như trước đây, để giảm chi phí, nông dân thường tự gặt hoặc đổi công cho nhau thì nay có tới hơn 90% diện tích lúa được gặt bằng máy. Đáng chú ý, do nhu cầu cao, vào vụ thu hoạch rộ, các chủ máy gặt cũng phải “chạy sô” để kịp tiến độ. Chẳng vậy mà, chuyện máy gặt lắp đèn ra đồng cắt lúa từ tờ mờ sáng hay lúc đêm khuya đã trở nên quen thuộc tại nhiều địa phương.

Trước đây, nông dân phải mất rất nhiều thời gian, công sức để thu hoạch lúa mà vẫn lo chậm thời vụ. Thế nhưng từ khi có máy gặt liên hoàn, bà con đã vơi đi nỗi vất vả, có thêm thời gian để làm nhiều công việc khác. Đặc biệt là đối với những địa phương có số lượng lớn lao động trẻ đi làm việc tại các khu công nghiệp. Mặt khác, gặt bằng máy giúp đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa, kịp thời giải phóng đất để sản xuất vụ Mùa.

Nhằm đáp ứng tính khẩn trương của thời vụ, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập, Sở NN&PTNT Hà Nội đã và đang triển khai chương trình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Theo đó, chương trình có cơ chế hỗ trợ 50% kinh phí mua máy nông nghiệp (không quá 75 triệu đồng) cho các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, nhiều huyện đã có chính sách khuyến khích nông dân, HTX mua máy gặt. Nhờ đó, số lượng máy gặt liên hoàn tăng rõ rệt, tiêu biểu như Mỹ Đức (84 máy), Ứng Hòa (75 máy), Phúc Thọ (37 máy), Phú Xuyên (31 máy)...
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến hết ngày 7/6, toàn TP đã thu hoạch được 80% diện tích lúa Xuân (tương đương hơn 70.000ha). Trong đó, nhiều địa phương đã cơ bản thu hoạch xong như Sơn Tây, Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Phúc Thọ…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần