Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp: Ứng dụng thấp, thiếu đồng bộ

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ứng dụng cơ giới hóa (CGH) là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, việc ứng dụng CGH vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội chưa nhiều.

Mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội sẽ nâng tỷ lệ CGH trong khâu làm đất lên trên 95%, khâu cấy lên 40%, gặt đập lên 60%. Trong chăn nuôi, nâng tỷ lệ CGH khâu thái cỏ và vắt sữa lên 90%, làm mát chuồng trại lợn, gà đạt 30%...
 Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn tại huyện Ứng Hòa.
Nông dân chưa mặn mà

Mặc dù dẫn đầu TP về ứng dụng CGH vào sản xuất nông nghiệp nhưng huyện Phú Xuyên mới tập trung chủ yếu trong sản xuất lúa. Tương tự, huyện Đông Anh - một trong những địa phương có nhiều cải tiến tích cực về cơ chế hỗ trợ nhưng cũng mới chỉ áp dụng được CGH trong sản xuất lúa và chăn nuôi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, đến nay, tỷ lệ CGH trong chăn nuôi, trồng trọt của địa phương mới đạt trung bình từ 3 - 7% ở hầu hết các khâu. Các vùng trồng rau, hoa, chăn nuôi xa khu dân cư của huyện bước đầu hình thành vùng chuyên canh tập trung, song việc ứng dụng CGH vào sản xuất còn hạn chế do chi phí mua máy móc cao nên nông dân chưa mặn mà.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, trong lĩnh vực trồng trọt, CGH khâu làm đất đạt 95% diện tích, gieo cấy lúa gặt bằng máy đạt 45,5%, diện tích phun thuốc trừ sâu bằng máy đạt 28,8%, diện tích cấy lúa bằng máy đạt 2,45%. Trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, CGH trong khâu vắt sữa đạt 37,7%, khâu thái cỏ đạt 68%...
Như vậy, mức độ ứng dụng CGH vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đang thấp hơn so với cả nước và một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Theo đánh giá, hai khó khăn lớn nhất trong ứng dụng CGH mà ngành nông nghiệp Hà Nội đang phải đối mặt là không tích tụ được ruộng đất và giá thành máy còn cao.

Nâng mức hỗ trợ

Những năm gần đây, Nhà nước và TP đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng CGH vào sản xuất nông nghiệp, song các chính sách này chưa sát với thực tế phát triển của các địa phương và sản xuất nông nghiệp. Đáng nói, chính sách hỗ trợ trực tiếp còn ở mức thấp, khâu tổ chức triển khai chậm, thủ tục vay vốn rườm rà nên số hộ nông dân, HTX nhận tiền hỗ trợ lãi suất mua máy móc CGH khá khiêm tốn.

Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong việc ứng dụng CGH vào sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp Hà Nội đang áp dụng linh hoạt các chính sách giúp DN, người dân tích tụ ruộng đất, tạo thuận lợi cho CGH. Đơn cử, tại huyện Phúc Thọ, các cấp chính quyền địa phương đứng ra “gom đất” của các hộ dân nhằm thu hút DN đưa máy móc, công nghệ cao vào sản xuất.
Cùng với đó, Sở NN&PTNT đề xuất TP xem xét nâng mức hỗ trợ mua máy móc nhằm khuyến khích người dân đầu tư. Theo đó, mức hỗ trợ trực tiếp 50%, tối đa không quá 150 triệu đồng/máy, thiết bị. Đồng thời, tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn để các HTX nông nghiệp là nòng cốt trong quá trình thực hiện CGH.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để đẩy mạnh phát triển CGH sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, Sở tiếp tục tập trung quy hoạch đồng ruộng, khuyến khích tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi nội đồng… Về phía các huyện, thị xã, cùng với việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ CGH sản xuất nông nghiệp của T.Ư và TP, mỗi địa phương cần có cơ chế hỗ trợ riêng đối với nông dân, HTX.