Có hay không việc vỡ bể phốt ở Golmark city?

Gia Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, cư dân TNR Goldmark city (136 Hồ Tùng Mậu) lại căng băng rôn phản đối việc bể phốt khu chung cư này bị vỡ gây mất vệ sinh và khó khăn trong sinh hoạt.

Phản ánh với báo Kinh tế & Đô thị, một cư dân sống tại tòa S4 cho biết, trước giờ đi làm sáng 20/3/2019, thấy có hiện tượng nước lênh láng ở khu vực để xe, mùi khó chịu bốc lên.

Vị trí nước thải rò rỉ ở hầm B1 đã được khắc phục 
Sau đó, thấy một số cư dân đăng ảnh lên Facebook, gạch vữa tung tóe dưới hầm và nói bể phốt bị vỡ, nổ như bom,... "Không chỉ sự cố này, thời gian qua, Chủ đầu tư đã lơ là nhiều hạng mục như lắp đặt hàng rào, thiết bị sân chơi,... cho cư dân The Goldmark City chúng tôi" - cư dân bức xúc.
Trao đổi với Ban Quản lý tòa nhà (QLTN), đại diện đơn vị cho biết: “Không có việc vỡ bể phốt” mà chỉ là sự cố rò rỉ nước thải ở hầm B1, xảy ra tại bức tường ngăn cách giữa khu vực bể phốt với khu để xe hầm B1 tòa S4. Nguyên nhân được bộ phận kỹ thuật của Ban QLTN xác định là do phao kiểm soát mức nước của bể phốt bị trục trặc gây chảy tràn và thoát qua vị trí thứ yếu của tường ngăn cách bể phốt với khu vực gửi xe (cách bể phốt 50cm).
“Bể phốt của tòa nhà được xây dựng gồm 3 khoang xử lí, trong đó phần bị thoát tràn là khoang bể cuối cùng đã qua xử lí. Sau khi các chất thải rắn đã lắng sơ bộ ở các khoang đầu, khoang cuối chỉ còn nước để đưa vào hệ thống thoát nước chung của TP” - Vị đại diện này nói.
Cũng theo vị đại diện Ban QLTN này, ngay khi phát hiện đã cho hút sạch và vệ sinh khu vực hầm. Tuy nhiên, để tìm ra vị trí ngấm và xử lý dứt điểm, bộ phận kỹ thuật cùng nhà thầu buộc phải đục một khoảng lớn trên bức tường ngăn cách giữa bể phốt và khu vực hầm xe.
Trong quá trình sửa chữa, không tránh khỏi việc nước tiếp tục trào ra mặt hầm. Nhiều cư dân không nắm được sự việc, nên khi thấy bức tường ngăn cách bể bị đục có thể đã nhầm lẫn với việc vỡ bể phốt. Với sự cố này, kỹ thuật tòa nhà đã xử lý xong lỗi van phao, vệ sinh đánh rửa mặt tầng hầm, rắc hóa chất khử trùng để đảm bảo vệ sinh và đưa tầng hầm của tòa S4 trở lại hoạt động bình thường. Đồng thời, phối hợp với nhà thầu để có biện pháp xử lý sự cố triệt để, tránh tái diễn.
Chia sẻ về vấn đề này, một chuyên gia xây dựng cho rằng, sự cố vỡ bể phốt nhà chung cư rất khó xảy ra, do yêu cầu kỹ thuật đều xây bằng bê tông, cốt thép để đảm bảo chịu lực. Nếu thực sự có việc nổ bể phốt sẽ do khí ga tạo thành từ chất thải. Như thế, mức độ ảnh hưởng nó sẽ rất lớn chứ không chỉ nhìn thấy nước thải lênh láng trên bề mặt.
Văn bản số 159/2019/CV-VH gửi tới Ban đại diện cư dân ngày 22/3/2019.
Về phản ánh lơ là nhiều hạng mục như lắp đặt hàng rào, thiết bị sân chơi,... đại diện Chủ đầu tư cho biết, đối với các đề nghị của cư dân (bao gồm cả những hạng mục không có trong hợp đồng mua bán căn hộ) như: Triển khai công tác khảo sát và lắp đặt hàng rào; lắp đặt các thiết bị sân chơi; tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu... Chủ đầu tư đã có giải thích thông qua ban đại diện về tiến độ thực hiện.
"Riêng về vấn đề lắp đặt hàng rào tại tòa S4, do bàn giao sau nên vừa qua giai đoạn lấy ý kiến cư dân về phương án thiết kế và chuẩn bị bước sang giai đoạn lựa chọn nhà thầu. Theo đó, tiến độ thực hiện dự kiến từ nay đến ngày 2/5/2019 sẽ thực hiện các bước: Tìm kiếm nhà thầu, lên thiết kế chi tiết, báo cáo chính quyền và thời gian thi công dự kiến là 45 ngày" - Đại diện Chủ đầu tư cho hay.
Thay lời kết
Thời gian qua, không chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội mà TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,... đã xảy ra rất nhiều vụ việc cư dân phản đối chủ đầu tư, căng băng rôn, biểu tình vì nhiều lý do khác nhau. Đáng nói có không ít vụ mẫu thuẫn không giải quyết được, kéo dài năm này qua năm khác.
Việc xung đột là điều không ai muốn, thế nhưng giải quyết như thế nào hiệu quả không đơn giản, nếu không có sự đồng thuận, thiện chí của cả cư dân và Chủ đầu tư. Vì vậy, rất cần một cơ chế đối thoại để tìm được tiếng nói chung, cùng gỡ nút thắt, giải quyết những tồn tại bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên, tránh tình trạng mẫu thuẫn kéo dài mà không giải quyết được vấn đề.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần