Cô học trò đam mê khoa học

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đam mê khoa học, sớm tiếp cận STEM, Nguyễn Lê Hà Anh (học sinh lớp 7C1, trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn mong muốn sáng tạo ra những sản phẩm có ứng dụng trong cuộc sống.

 Em Nguyễn Lê Hà Anh

Mới đây, tại Kỳ thi Olympic Toán và khoa học quốc tế lần thứ 16 - IMSO 2019 được tổ chức từ ngày 27 – 30/11 tại Hà Nội, Nguyễn Lê Hà Anh đã được lựa chọn tham gia cuộc thi và đoạt Huy chương Vàng với môn khoa học ở bảng B.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng, Kỳ thi IMSO 2019 không chỉ thúc đẩy phong trào học tập, mà còn là cơ hội tốt nhất để chia sẻ và làm phong phú thêm kiến thức về Toán, khoa học và văn hóa. Sau những ngày được trải nghiệm, giao lưu học hỏi trong khuôn khổ của Kỳ thi IMSO 2019, các học sinh đã thể hiện niềm đam mê Toán học và khoa học trong một kỳ thi hội nhập với tầm vóc quốc tế.

Đây không phải là lần đầu tiên Hà Anh tham gia và giành huy chương tại các cuộc thi tầm vóc quốc tế. Năm học 2018 – 2019, Hà Anh từng giành Huy chương vàng (giải cá nhân) cuộc thi Khoa học quốc tế - International Science Competition (ISC 2018) tại Malaysia.

Tháng 9 vừa qua, tại cuộc thi YIC 2019 (Young Inventor Challenge – Thách thức các nhà phát minh nhỏ tuổi) do Hội Khoa học Kỹ thuật và sáng chế Malaysia tổ chức, Đội “The Guardians” (Những người bảo vệ - Học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên) do Nguyễn Lê Hà Anh làm trưởng nhóm đã trở thành đội duy nhất trong tổng số 18 đội của Việt Nam tham dự giành được giải thưởng chính (Giải Đồng).

 Em Nguyễn Lê Hà Anh giới thiệu mô hình thuyền robot vớt rác tại cuộc thi YIC 2019

Qua tìm hiểu thực tế ô nhiễm nguồn nước ở các sông, hồ trên địa bàn TP Hà Nội, nhóm 5 học sinh lớp 7C1 Trường THCS Ngô Sĩ Liên  đã nghiên cứu và sáng tạo ra sản phẩm thuyền robot vớt rác. Đây là một trong những sản phẩm được các nhà khoa học đánh giá cao vì có tính ứng dụng trong cuộc sống.

Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, Hà Anh cho biết: “Có rất nhiều loại rác thải trôi nổi trên sông, hồ, điển hình là rác thải nhựa. Nếu chúng ta không thu gom và tái chế, chúng sẽ tiếp tục làm ô nhiễm nguồn nước. Nhóm đã nghĩ đến phát minh thuyền robot vớt rác có thể thu gom rác ở các loại sông, hồ, có thể dễ dàng di chuyển và tháo lắp”.

Bắt tay thực hiện mô hình, các em gặp khá nhiều khó khăn trong việc lựa chọn nguyên liệu, cấu trúc thuyền và cách nối các bộ phận với nhau; thường tranh cãi, bất đồng quan điểm với nhau do chưa quen với làm việc nhóm. Tính từ bước lên ý tưởng cho tới khi hoàn thành sản phẩm là 6 tháng (từ tháng 3 cho tới tháng 9/2019).

“Các em đã tham gia rất nhiều hoạt động trang bị những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) tại trường THCS Ngô Sĩ Liên nên các thầy cô hết sức ủng hộ, hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia cuộc thi. Trong quá trình thực hiện mô hình, các thầy cô đã góp ý, giúp đỡ và kiểm tra tiến độ thực hiện mô hình” – Hà Anh chia sẻ.

The Guardians thuộc nhóm ít tuổi nhất cuộc thi, tuy nhiên, nhóm đã được Ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao do ý tưởng thiết thực của đề tài, quá trình thực hiện đề tài một cách đầy nỗ lực, khoa học, bài bản và khả năng bảo vệ đề tài tự tin, lưu loát bằng tiếng Anh.

Ngoài tình yêu khoa học, đam mê STEM, năm học 2018-2019, Hà Anh là học sinh giỏi tiêu biểu được Sở GD&ĐT Hà Nội khen thưởng; đồng thời, em đã đoạt giải khuyến khích cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc năm 2019” do Bộ VHTT&DL tổ chức.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần