Cơ hội đầu tư bất động sản ven đô

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khoảng thời gian trầm lắng vì dịch Covid-19, thị trường bất động sản (BĐS) không những không có dấu hiệu giảm mà giá bán có xu hướng tăng.

Trước tình trạng đó, nhiều nhà đầu tư đã chuyển dịch sang tìm kiếm thị trường mới ở các vùng ven đô thị lớn, mở ra nhiều cơ hội mới trong năm 2021.
Thị trường tiếp tục tăng trưởng

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong quý IV/2020, cả nước có 36.884 giao dịch BĐS thành công. Tại Hà Nội có 2.966 giao dịch thành công, bằng 219% quý II/2020. Tại TP Hồ Chí Minh, có 6.722 giao dịch thành công bằng 170,6%. Còn theo dữ liệu của nhóm phân tích FiinPro, lượng tiền người mua nhà trả trước của khách hàng trong 3 quý cuối năm 2020 tại nhiều DN tăng cao ở mức kỷ lục 5 năm qua. “Đáng chú ý là bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá nhà đất vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. 12 tháng qua, TP Hồ Chi Minh, Hà Nội cùng các vệ tinh của hai đô thị này chứng kiến hiện tượng tăng giá nhà đất xuyên mùa dịch” – chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực cho hay.
 Bất động sản vùng ven các đô thị lớn sẽ tiếp tục tăng giá vào năm 2021. Ảnh: Doãn Thành
Theo báo cáo "Sẵn sàng cho chu kỳ mới từ 2021" vừa được Công ty Chứng khoán VNDIRECT phát hành, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng nhà đất vẫn là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn. Thị trường BĐS Việt Nam có chu kỳ 7 năm và BĐS năm 2021 sẽ bước vào chu kỳ tăng cao trong bối cảnh vấn đề pháp lý có dấu hiệu tích cực từ việc sửa đổi Luật Xây dựng năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 và kỳ vọng GDP đạt tăng trưởng khả quan trong năm 2021 như dự báo. “Xu hướng tăng giá bán sẽ tiếp tục duy trì nhờ nhu cầu nhà ở tăng. Nguyên nhân do thúc đẩy phát triển các cơ sở hạ tầng có tác động trực tiếp đến thị trường BĐS và lãi suất vay mua nhà giảm sẽ hỗ trợ quyết định mua nhà” – đại diện VNDIRECT nhận định.

Qua số liệu thống kê về vốn đầu tư nước ngoài trong 5 năm trở lại đây của Bộ Xây dựng cho thấy, kinh doanh BĐS luôn là một trong những lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài (đứng thứ 2 trên tổng số 17 lĩnh vực về thu hút đầu tư nước ngoài, sau công nghiệp, chế biến chế tạo), đạt khoảng 17,63 tỷ USD. Tính đến năm 2020, cả nước đã có khoảng 100.000 DN xây dựng và 15.000 DN kinh doanh BĐS, tăng hơn 2,3 lần so với năm 2010; hơn 1.000 sàn giao dịch BĐS; đã thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới, định giá, quản lý điều hành sàn giao dịch BĐS cho khoảng 100.000 người, trong đó có 50.000 nhân viên môi giới, 25.000 nhân viên định giá và 25.000 người quản lý sàn giao dịch BĐS. “Thị trường BĐS cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn. Thị trường ngày càng phát triển mở rộng cả về quy mô vốn, loại hình, số lượng, quy mô và chất lượng dự án; cơ cấu sản phẩm đa dạng, đáp ứng yêu cầu thị trường, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước“ – Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh cho hay.

Bất động sản ven đô lên ngôi

Phó Chủ tịch Việt Mỹ Group Nguyễn Thị Liễu cho biết, nhu cầu sở hữu BĐS ven đô bắt đầu nhen nhóm từ cách đây khoảng 3 – 4 năm, có bước phát triển mạnh hơn vào thời điểm cuối năm 2020, sau thời điểm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Người mua nhà giờ đây mong muốn có không gian sống tốt cho sức khoẻ, có kiến trúc xanh, an toàn hơn, không quá đông đúc, không quá cao tầng, xây dựng mật độ thấp để giãn cách. Sự “đổ vỡ” tạm thời của Condotel đã khiến cho nhà đầu tư ngày càng cẩn trọng hơn trong việc bỏ tiền đầu tư vào những sản phẩm BĐS biển và muốn tìm đến một địa điểm đầu tư mới hơn, ở đó mang lại sự an toàn về pháp lý, khả năng sinh lời tiềm năng.

Trước những khó khăn về thị trường, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã chuyển dịch đầu tư sang những dòng sản phẩm tại khu vực ven đô thị lớn. Khu vực phía Bắc với Hà Nội là trung tâm, xu hướng này đã xuất hiện tại các tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... Khu vực phía Nam ở một số địa bàn giáp ranh với TP Hồ Chí Minh như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...
“Thực tế, sự chuyển dịch này diễn ra theo một chu kỳ, sau nhiều năm người dân, khách du lịch đổ về các vùng ven biển. Đến nay, họ muốn trải nghiệm một sản phẩm mới, môi trường mới, sự dịch chuyển này dẫn đến nhu cầu đầu tư cũng có sự thay đổi” - bà Nguyễn Thị Liễu nhìn nhận.

Đồng quan điểm, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cho rằng, BĐS khu vực ven đô thị lớn hiện nay sẽ phát triển do dự án ở khu vực trung tâm đã được đẩy giá lên mức cao, vượt qua khả năng tài chính của một bộ phận lớn người dân có nhu cầu. Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn được triển khai ở các vùng ven cũng khiến cho giá BĐS tại những khu vực này tăng cao.
“Nhà đầu tư nếu có nguồn lực dồi dào, trong 1 - 2 năm tới có thể đầu tư vào khu vực ven. Thời gian qua, nhiều nhà phát triển BĐS đầu tư tại các khu nghỉ dưỡng đều có diễn biến giá khả quan và những khu vực ven đều có khả năng tăng giá. Ví dụ, ở Bình Định và Quy Nhơn tăng từ 30 triệu đồng một lô lên mức 700 triệu đồng/lô. Ở Sầm Sơn cũng tương tự, trước đây nếu là 3 triệu đồng/m2 thì hiện nay là 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nhà đầu tư mua vùng ven nên quan tâm nhất đến các khu vực có dự án sắp vận hành” – ông Trịnh Văn Quyết nhìn nhận.

"Ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, cùng việc siết chặt cơ chế chính sách liên quan đến tiền tệ của ngân hàng và thủ tục cấp phép đầu tư đã khiến cho thị trường BĐS nói chung bị giảm sút trong thời gian gần đây. Nhưng thực tế, qua nhiều phép thử có thể khẳng định thị trường BĐS đang không bị “đóng băng”." - Chuyên gia tài chính, TS Lê Xuân Nghĩa