Cơ hội để Hà Nội xây dựng một đô thị xứng tầm

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia, nếu thực hiện được việc quy hoạch hai bên bờ sông Hồng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Hà Nội, giúp TP tận dụng để phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, nhà ở, chung cư phục vụ cho vấn đề an sinh xã hội.

 Nguyên Thứ trưởng Bộ TN& MT GS.TS Đặng Hùng Võ
Quy hoạch tốt sẽ tạo ra khu đô thị sinh thái ven sông
"Bài toán về quy hoạch hai bên sông Hồng của Hà Nội đã đặt ra từ lâu nhưng đều để dở dang chưa tìm ra lời giải. Lần này, Hà Nội cần đặt quyết tâm biến chủ trương thành hành động cụ thể, thực hiện dứt điểm công tác quy hoạch vùng đất hai bên bờ sông Hồng. Việc này có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong việc sử dụng đất cho phát triển đô thị một cách hợp lý mà còn để lập lại trật tự tại khu vực bãi sông vốn đang phát triển tự phát rất lộn xộn ở đây. Khi có quy hoạch vùng đất hai bên sông Hồng, Hà Nội còn có thể phát huy cao nhất điều kiện thuận lợi của một thành phố bên sông cho phát triển đô thị, du lịch...
Sông Hồng chảy qua Hà Nội có nhiều khúc rất đẹp, nếu quy hoạch tốt sẽ tạo ra khu đô thị sinh thái ven sông có cảnh quan đặc biệt, xây dựng những khu vui chơi, công viên cây xanh, thu hút du lịch và cải thiện môi trường sống cho người dân TP. Đồng thời, đây cũng là nơi tạo ra nhiều việc làm cho người dân Hà Nội. Để có một bản quy hoạch tốt về quy hoạch hai bên sông Hồng, Hà Nội cần huy động và tận dụng cao nhất lượng chất xám, tri thức của những chuyên gia am hiểu về sông Hồng, về Hà Nội. Qua đó tập trung đưa ra một lời giải tích cực nhất về vấn đề này càng sớm càng tốt, tạo cho Hà Nội một điểm mạnh riêng khi tận dụng được dòng sông ở giữa phát triển đô thị ở hai bên. " - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN& MT GS.TS Đặng Hùng Võ
 Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy
Cần sớm phê duyệt quy hoạch điều chỉnh phòng chống lũ sông Hồng
"Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng đã được Hà Nội lập từ năm 2013, nhưng đến nay, cơ sở pháp lý để phê duyệt quy hoạch này còn chưa rõ ràng nên bị kéo dài. Cụ thể, theo đúng Luật Đê điều thì TP phải lập quy hoạch chi tiết các sông có tuyến đê.
Quy hoạch chi tiết này Sở NN&PTNT Hà Nội đang thực hiện thì Luật 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ra đời, có hiệu lực từ 1/1/2019 quy định về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê là Bộ NN&PTNT. Do đó, để có cơ sở phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết liên quan, Bộ NN&PTNT cần sớm phê duyệt quy hoạch hệ thống đê điều, quy hoạch điều chỉnh phòng chống lũ sông Hồng. Trước mắt, khi chưa phê duyệt các quy hoạch trên, cần phối hợp kịp thời, có ý kiến, hướng dẫn về việc cải tạo, xây dựng công trình ngoài hành lang thoát lũ." - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy
 TS.KTS Nguyễn Việt Huy – Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng
Thêm quỹ đất phát triển đô thị, lá phổi xanh khổng lồ
"Trong quy hoạch đô thị, những TP có dòng sông chảy qua là một một may mắn của thiên nhiên ban tặng. Trên thế giới có rất nhiều TP đã tận dụng rất tốt lợi thế phát triển đô thị cạnh những con sông như TP Rome (Italia), TP Paris (Pháp)… thậm chí trong nước cũng đã có TP Đà Nẵng thành công trong việc phát triển đô thị hai bên dòng sông Hàn.
Có thể nói sông Hồng là cơ hội rất lớn để Hà Nội xây dựng một đô thị xứng tầm. Tất nhiên trong quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật nhưng với khả năng của khoa học công nghệ hiện nay thì chúng ta hoàn toàn có thể hóa giải được. Hà Nội cần phải nhanh chóng biến sông Hồng thành xương sống, là mạch máu của TP chứ không phải là đường bao. Làm được điều này sẽ tạo được một kiến trúc cảnh quan hết sức đặc biệt cho TP, tạo nét riêng. Đồng thời tạo được quỹ đất phát triển đô thị, lá phổi xanh khổng lồ mà không phải ở TP nào cũng có được. Nếu chậm trễ không có giải pháp cho việc quy hoạch hai bên sông Hồng thì Hà Nội vẫn cứ chìm trong ô nhiễm môi trường, vi phạm xây dựng một cách tràn lan tại khu vực bãi sông…
Khi thực hiện quy các hoạch hai bên sông Hồng, Hà Nội không nên để các DN tham gia lập quy hoạch mà việc này Nhà nước phải định hướng, thực hiện sau đó kêu gọi đầu tư. Nếu để DN tham gia làm quy hoạch sẽ lợi bất cập hại, quy hoạch sẽ bị manh mún, sẽ bị duy ý chí theo chủ đầu tư.
Dự án lớn như thế này có thể đưa vào dự án đặc biệt, Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, giao cho TP Hà Nội lập quy hoạch và cần tổ chức thi tuyển quốc tế. Để có được bản quy hoạch chất lượng, TP cần kêu gọi các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế tư vấn lập ra được một đề bài tốt. Có như vậy mới có một lời giải hay cho bài toán quy hoạch hai bờ sông Hồng, từ đó có phương án phát triển hợp lý." - TS.KTS Nguyễn Việt Huy - Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần