Cơ hội đưa hàng Việt vào Nhật Bản

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, dòng lưu chuyển thương mại bị gián đoạn nên hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cơ hội xuất khẩu (XK) hàng hóa ra các nước, đặc biệt là thị trường Nhật Bản thông qua hệ thống bán lẻ được xem là một trong những giải pháp cho DN thời kỳ hậu Covid-19.

Thị trường tiềm năng lớn
Cuối tháng 6/2020, lô vải thiều của Việt Nam có mặt trên kệ hàng của 250 trung tâm bách hóa tổng hợp, siêu thị và cửa hàng Aeon Style tại Nhật Bản. Tính cả mùa vải năm 2020, khoảng 200 tấn vải thiều tươi đã được XK sang thị trường Nhật Bản. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, Nhật Bản là thị trường XK lớn thứ 6 của Việt Nam sau Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu và ASEAN. Từ đầu năm đến nay, kim ngạch XK hàng Việt vào Nhật Bản đạt 15,6 tỷ USD, dự kiến năm 2020 kim ngạch XK sang thị trường này đạt xấp xỉ 20 tỷ USD.

Tại Diễn đàn “Kết nối, xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản an toàn TP Hà Nội năm 2020” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức mới đây, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON TopValu Việt Nam Shiotani Yuichiro cho hay: Nhu cầu nhập khẩu sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm, tiêu dùng của Nhật Bản lớn. Đây là những sản phẩm mà Việt Nam có nhiều lợi thế về điều kiện phát triển sản xuất. Đặc biệt, AEON là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản đang ưu tiên nhập khẩu 4 nhóm sản phẩm Việt Nam gồm dệt may, thực phẩm, đồ gia dụng và chăm sóc sức khỏe.

Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết: XK vào Nhật Bản thông qua kênh bán lẻ được xem là một trong những giải pháp tình thế của DN Việt thời kỳ hậu Covid-19. Riêng năm 2019, giá trị XK sản phẩm Việt Nam qua hệ thống Aeon đã đạt 381 triệu USD, trong đó 75% là hàng may mặc. Đặc biệt, sản phẩm cá basa Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng Nhật Bản, với tổng sản lượng XK sang Nhật Bản thông qua Aeon năm 2019 lên tới 1.200 tấn.

"Cửa ải" tiêu chuẩn

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Thị Việt Nga, dự kiến kim ngạch XK hàng Việt thông qua hệ thống Aeon tại Nhật đạt 500 triệu USD trong năm 2020 và hướng đến kim ngạch đạt 1 tỷ USD vào năm 2025. Dù cơ hội XK hàng Việt sang Nhật Bản thông qua hệ thống siêu thị Aeon là rất lớn nhưng đây cũng là thị trường “khó tính” khi đưa ra nhiều quy định về chất lượng, tiêu chuẩn. Trong khi đó, DN Việt Nam chủ yếu sản xuất thủ công, chưa có nhiều kinh nghiệm, thông tin về thị hiếu tiêu dùng, mức giá sản phẩm của thị trường Nhật Bản…
 Người tiêu dùng mua hàng Việt tại Hội chợ ''Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội 2020'' tổ chức tại AEON Long Biên ngày 6/11. Ảnh: Lê Nam
Nói về những quy định của Nhật Bản áp dụng cho hàng nhập khẩu, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam Nishitoghe Yasuo cho hay: Các điều kiện nhập khẩu của thị trường Nhật buộc DN Việt phải tuân thủ mọi quy định ở tất cả các giai đoạn, từ nuôi trồng, sản xuất, phân phối, bán hàng và giao hàng. Các quy định này được phân cấp từ những quy định bắt buộc của pháp luật cho đến các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn chuyên ngành. Riêng với sản phẩm dệt may, DN phải thông báo cho nhà nhập khẩu về nguyên vật liệu và cách thức dệt may để thời gian thông quan được nhanh chóng. Nếu Việt Nam có một quy trình sản xuất, kỹ thuật bảo quản, chế biến nông sản bằng phương pháp đông lạnh tốt thì có thể XK được nông, thủy sản số lượng lớn và quanh năm sang Nhật Bản.

Chia sẻ những kinh nghiệm XK vào thị trường Nhật Bản, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thời trang Aligro Hoàng Văn Linh cho biết, DN cũng tìm hiểu, nghiên cứu các dòng sản phẩm XK sang thị trường Nhật cũng như nguồn nguyên liệu để phù hợp về kiểu dáng, thị hiếu của người tiêu dùng Nhật. “Việc đáp ứng tiêu chí XK sang Nhật Bản là cơ hội để DN thấy được yêu cầu, đòi hỏi của các tập đoàn lớn quốc tế, từ đó điều chỉnh chiến lược để phát triển và hội nhập” - ông Hoàng Văn Linh nói.

Rõ ràng, để tăng kim ngạch XK thị trường Nhật, đòi hỏi DN Việt phải đạt được các tiêu chí về chất lượng, sản phẩm và giá thành. Khi trở thành nhà cung ứng chính thức cho AEON nói riêng, thị trường Nhật Bản nói chung, đây chính là “bệ đỡ” để DN Việt tiến sâu vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

"Từ nay đến hết ngày 23/11, HPA phối hợp với hệ thống siêu thị Aeon Nhật Bản tổ chức hội chợ "Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội 2020”. Thông qua hội chợ, HPA tạo cơ hội cho DN Việt Nam nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm một cách bài bản, đồng thời tiếp cận hệ thống phân phối của Tập đoàn AEON, qua đó có định hướng sản xuất, chiến lược xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản thời kỳ hậu Covid-19." - Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần