Cơ hội hút đầu tư FDI phát triển nền kinh tế Việt Nam

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 26/4, Bộ Ngoại giao và Vietnam Economic Times phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 với chủ đề “Kết nối địa phương – doanh nghiệp, nắm bắt cơ hội”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên
Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI ngày càng khốc liệt, hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài còn gặp khó khăn do những tác động từ đại dịch Covid-19, chúng ta phải thích ứng, chủ động, sáng tạo và đón kịp dòng chảy của làn sóng FDI thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, đưa được dòng vốn chất lượng cao về Việt Nam... Chính phủ Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam hoạt động lâu dài, tôn trọng pháp luật và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Trong thời gian tới, khu vực FDI vẫn tiếp tục là một động lực quan trọng, góp phần hiện thực hóa khát vọng, phồn vinh của Việt Nam, trong đó Chính phủ đóng vai trò nhà kiến tạo, phát triển. 
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh 
Đồng hành với doanh nghiệp
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ:  Trong gần 2 năm đối mặt với Covid-19, hoạt động xúc tiến đầu tư cả trong nước và nước ngoài  đều gặp khó khăn, tuy nhiên, rất nhiều ý tưởng sáng tạo đã được thúc đẩy triển khai thành công trên thực tiễn, không chỉ giữ vững động lực tăng trưởng tại các địa phương mà còn thể hiện tinh thần đồng hành sát cánh với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức. Về phần mình, trong nhiều năm qua, Bộ Ngoại giao cũng chủ động, tích cực đẩy  mạnh nhiều chuỗi hoạt động thiết thực hỗ trợ kết nối các địa phương với các đối tác quốc tế, triển khai đồng đều cả trong nước và ở nước ngoài. 
Trong bài phát biểu dẫn đề Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam đang ẩn chứa nhiều cơ hội để Việt Nam có thể cất cánh mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn mới. Sự hủy diệt hay tái thiết đều sinh mới, hoặc mở thêm những cơ hội phi thường, bên cạnh thách thức lớn lao. Thành công sẽ đến với các chủ thể bản lĩnh, hiểu và chủ động thích ứng với bối cảnh.
Các khu vực kinh tế của Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước định hình rất rõ ràng về vai trò và sứ mệnh đóng góp. Trên cơ sở chủ trương định hướng và nền tảng pháp lý hiện hành, khu vực kinh tế FDI, cộng đồng doanh nghiệp FDI sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để cùng hoạt động hiệu quả, đóng góp vì sự phát triển các địa phương và nền kinh tế Việt Nam. 
Tạo sức hút đầu tư
Tại phiên thảo  luận của Diễn đàn đã thu hút sự tham gia chia sẻ của nhiều lãnh đạo địa phương cùng đại diện  các hiệp hội xúc tiến thương mại và doanh nghiệp. Đây cũng là Diễn đàn mở có quy mô lớn  đầu tiên tập trung sự tham gia của lãnh đạo địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp bàn thảo và đánh giá về các dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cùng những thay đổi của bối cảnh kinh tế thế giới mới, cũng như tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs).  
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Khắc Kiên

Những nội dung được đề cập và trao đổi trong Phiên thảo luận bao gồm: Nhận diện bối cảnh và đánh giá cơ hội dịch chuyển đầu tư; xác định chiến lược thu hút đầu tư, đón  dòng dịch chuyển mới phù hợp với chủ trương quy hoạch phát triển và tiềm năng, lợi thế của các địa phương; những sáng kiến và giải pháp trên thực tiễn đã được các địa phương triển khai nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp vượt qua thách thức, hoạt động có hiệu quả, tăng cường mở rộng quy mô đầu tư. 
Ý kiến của chủ tịch, phó chủ tịch các Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham), Hiệp  hội doanh nghiệp Anh (Britcham), Eurocham đều cho rằng, các hiệp định FTAs quan trọng  mà Việt Nam đang thực thi đã tạo sức hút lớn đối với các dòng đầu tư nước ngoài, từ các thị trường hưởng lợi trong các hiệp định vào Việt Nam. Việc các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam phát triển với số lượng lớn các doanh nghiệp thành viên mới cũng thể hiện  rõ nét những thay đổi về thu hút đầu tư tại Việt Nam.
Thương hiệu và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên đáng kể trong giai đoạn vừa qua, là tiền đề quan trọng để giai đoạn tới các “cơ duyên” hợp tác của các địa phương Việt Nam với các nhà đầu tư, cũng  như giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam hiệu quả hơn nữa.  
Các đại biểu, diễn giả chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) và Trưởng đại diện Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO Hà Nội) cũng đánh giá cao tiêu chí “cứ điểm an toàn và phát triển” của Việt Nam, sự chuyên nghiệp và minh bạch tạo thuận lợi của các địa phương Việt Nam đang tạo động lực lớn để các nhà đầu tư dịch chuyển, hoặc mở rộng đầu tư những dự án “đầu não” với hàm lượng công nghệ cao tại Việt Nam. 
Chia sẻ tại Diễn đàn, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng nhấn  mạnh: Giai đoạn 2020 - 2025 là giai đoạn đột phá, Hải Dương xác định cải thiện mạnh mẽ môi  trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh. Trong đó, tăng cường các nguồn đầu tư nước ngoài có hàm lượng công nghệ và chất lượng thực thi cao, củng cố phát  triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy hiệu quả hơn nữa mối liên kết của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam nhằm hướng tới đạt mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ mà  địa phương đã đề ra. (Hải Dương đề ra mục tiêu cụ thể trong phát triển CNHT với giá trị sản xuất CNHT đạt 39.202 tỷ đồng năm 2020 và 132.317 tỷ đồng vào năm 2030; tốc độ tăng  trưởng bình quân giá trị sản xuất CNHT giai đoạn 2021 – 2030 đạt 12,9%.).  
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đã nhấn mạnh rõ định hướng, cũng  là thông điệp của địa phương về thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư FDI trong giai đoạn mới, cụ thể là: Trong giai đoạn tới, khu vực kinh tế FDI tiếp tục vẫn là động lực tăng trưởng chính của  tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng sẽ được chọn lọc với định hướng phát triển công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp điện tử là mũi nhọn.  
Với tăng trưởng kinh tế luôn giữ ở mức cao gấp hơn 3 lần bình quân cả nước, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ thông tin, Hải Phòng luôn nhận được sự quan tâm và tìm hiểu đầu tư của nhiều doanh nghiệp đa quốc gia.  Giữ vị trí là một cực tăng trưởng của tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc, Hải Phòng đã xây  dựng chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới, tập trung phát triển  trung tâm cảng biển, logistics, công nghệ cao. Phát triển 2 khu công nghiệp sinh thái với tiêu  chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư và đảm bảo yêu cầu của kinh tế xanh,  kinh tế tuần hoàn.  
Vinh danh doanh nghiệp xuất sắc
Tối cùng ngày, tại Gala kỷ niệm 20 năm chương trình Rồng Vàng, Ban tổ chức đã trao tặng kỷ niệm chương cho các đại sứ quán đại diện cho các quốc gia dẫn đầu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hà Lan, Hoa Kỳ, Canada, Anh; trao tặng kỷ niệm chương cho các địa phương thu hút và thực thi hiệu quả các dự án FDI: TP Hồ Chí  Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải  Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Hải Dương, Vĩnh Phúc. 

Năm nay, Ban tổ chức đã khảo sát, bình chọn và vinh danh những doanh nghiệp FDI và doanh  nghiệp Việt Nam có thành tích suất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tích cực đổi mới, sáng  tạo, chuyển đổi số và nỗ lực vì sự phát triển của cộng đồng. TOP 10 doanh nghiệp Rồng Vàng năm  2021 gồm các thương hiệu: Công ty TNHH Dầu Thực vật Cái Lân; Công ty Xi măng Chinfon; Công  ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long; Ngân hàng Citi Việt Nam; Công ty TNHH Deloitte  Việt Nam; Công ty TNHH Chuyển phát nhanh DHL – VNPT; Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ  Prudential Việt Nam; Tổ hợp Samsung Việt Nam; Công ty Ô tô Toyota Việt Nam; Công ty TNHH Nhà thép tiền chế ZAMIl Việt Nam.
Trong khuôn khổ của Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 đã diễn ra 2 lễ ký kết  biên bản ghi nhớ hợp tác: Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) và  Công ty TNHH Mainstream Renewable Power Việt Nam về bồi dưỡng cán bộ làm công tác  đối ngoại tại các tỉnh, thành trực thuộc T.Ư. Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Ngoại vụ và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam về việc hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ kết nối với các địa phương Việt Nam.  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần