Cơ hội khi vươn ra biển lớn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết đã mang lại cho Việt Nam rất nhiều cơ hội khi vươn ra biển lớn.

Và câu chuyện đẩy mạnh cải cách thể chế, thay đổi tư duy quản lý được nhận định sẽ là bước chuẩn bị hành trang tốt cho DN.

TPP “kích” GDP Việt Nam tăng khoảng 4 tỷ USD/năm

Tính đến cuối năm 2015, Việt Nam đã ký 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA), cả song phương và đa phương. Đầu năm 2016, chúng ta đã ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), kết thúc đàm phán Việt Nam – EU cùng với đẩy mạnh đàm phán tiến tới ký kết thêm 4 FTA nữa trong thời gian tới, chưa kể một FTA giữa ASEAN – Canada đang xem xét. Với các FTA này, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nền kinh tế mở cửa rộng nhất và hội nhập sâu với tất cả những đối tác thương mại và đầu tư của mình.
Chế biến hàng thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Tiền Giang. 	Ảnh: Huy Hùng
Chế biến hàng thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Huy Hùng
Đặc biệt, TPP được coi là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những thỏa thuận chặt chẽ hơn cả về chiều rộng và chiều sâu. Theo đó, các nước thành viên TPP không chỉ cam kết mở cửa thị trường hàng hóa dịch vụ và đầu tư thông qua xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan mà còn xóa bỏ hàng loạt thỏa thuận liên quan đến sở hữu trí tuệ, mua sắm công, điều kiện lao động…

Việt Nam được đánh giá là nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP trên cả 3 lĩnh vực là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Theo đó, TPP có thể giúp cho GDP của Việt Nam tăng thêm khoảng 4 tỷ USD mỗi năm cho đến 2030. Hàng hóa có chất lượng cao từ Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand,… vào Việt Nam sẽ kích thích tiêu dùng nhờ giá cả hợp lý sau khi xóa bỏ hàng rào thuế quan.

Ngay khi TPP đang trong quá trình đàm phán, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đổ đến Việt Nam để sẵn sàng tìm kiếm cơ hội từ TPP cùng với sự hồ hởi tăng cường đầu tư của các nhà đầu tư trong nước. Xuất khẩu sẽ được lợi nhiều nhất từ TPP, đặc biệt là xuất khẩu hàng dệt may và thủy sản – những nhóm hàng xuất khẩu truyền thống hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hàng chục tỷ USD mỗi năm – do thị trường rộng mở với những điều kiện gần như là thuận lợi nhất. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đã, đang và sẽ có nhiều cơ hội mới tiếp cận thị trường rộng lớn có quy mô kinh tế chiếm 40% và quy mô thương mại chiếm 30% toàn cầu. Chỉ tính riêng thương mại giữa Việt Nam với Mỹ và Nhật Bản, sau 11 tháng của năm 2015, tổng kim ngạch đã lên đến 64 tỷ USD, đặc biệt, tổng kim ngạch xuất khẩu sang 2 thị trường hàng đầu này lên tới 43,4 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước với thặng dư thương mại xấp xỉ 23 tỷ USD.

Thay đổi tư duy quản lý

Lợi ích to lớn và toàn diện mà các FTA và TPP mang lại không nhỏ. Tuy nhiên, những thách thức từ TPP cũng theo đó lớn dần. Bài học gia nhập WTO và tận dụng lợi thế từ WTO năm 2007 đến nay vẫn còn nóng hổi. Nếu không tận dụng được cơ hội từ mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta không những bỏ qua những cơ hội tốt mà còn biến cơ hội thành thách thức, thậm chí là thách thức không thể vượt qua.

Vì thế, xu hướng cải cách thể chế kinh tế trong nước cho phù hợp với quy định của TPP, đồng thời tạo điều kiện tận dụng tốt nhất những “cơ hội vàng” do TPP mang lại sẽ diễn ra mạnh trong thời gian tới. Một số thể chế kinh tế thay đổi và dự kiến sẽ có bước tiến bộ vượt bậc, nhất là trong sản xuất nông sản đảm bảo chất lượng cao, ATTP và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất và quy mô sản xuất thích hợp. Tiếp đến là yêu cầu về xuất xứ hàng hóa nghiêm ngặt để được hưởng đầy đủ ưu đãi từ TPP; Thể chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quyền của người lao động; Xác lập vai trò và hệ thống các công cụ can thiệp vào nền kinh tế của Nhà nước; Điều chỉnh thể chế có khả năng xử lý và giải quyết tốt các tranh chấp phát sinh khi thực hiện TPP.

Ngay từ đầu năm 2016, cánh cửa Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức trở thành hiện thực là một trong những bước tiến quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu của Việt Nam. Đứng trước cánh cửa AEC, chúng ta vẫn thấy nhiều cơ hội, bởi nguồn nguyên nhiên vật liệu, sức lao động, vốn đầu tư sẽ tự do luân chuyển đến những nơi có sức hấp dẫn nhất, có hiệu quả cao nhất mà không phân biệt nơi đó là quốc gia nào trong AEC. Vì vậy, nền kinh tế nói chung, từng DN Việt Nam nói riêng trong thời gian tới buộc phải không ngừng thu hút các nguồn lực tốt nhất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, các yếu tố đầu vào cho sản xuất, kinh doanh trong khuôn khổ AEC.

Bên cạnh đó với việc sẽ phải cạnh tranh một cách bình đẳng với hàng vạn, hàng triệu DN khác trong AEC mà không được bảo vệ bằng một biện pháp bảo hộ thiên vị nào cả, sự tồn tại và phát triển của mỗi DN trong nước chỉ còn phụ thuộc vào sức cạnh tranh của chính DN đó trong việc cung cấp các sản phẩm hàng hóa dịch vụ cho hàng trăm triệu người thuộc AEC với chất lượng tốt nhất, đáp ứng nhu cầu cao nhất và giá cả cạnh tranh nhất.

AEC không chỉ yêu cầu sự đồng nhất về các yếu tố thị trường mà còn tiến tới hài hòa hóa thể chế kinh tế giữa các quốc gia thành viên. Do đó, các cơ chế chính sách và thủ tục hành chính liên quan đến kinh tế sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với chuẩn mực của AEC.

Rõ ràng, lường trước những cơ hội và thách thức, đồng thời chuẩn bị tốt để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức từ tham gia AEC không chỉ là công việc của Chính phủ, của các bộ, ngành mà còn là trọng tâm của các cấp chính quyền địa phương, của mỗi DN, thậm chí của mỗi người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần