Cơ hội lớn phát triển thương mại Việt – Trung

Hân Hân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vốn là hai nước “núi liền núi, sông liền sông” nên sau không ít thăng trầm, quan hệ Việt - Trung, trong đó nổi bật là hợp tác về kinh tế vẫn đạt nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển của mỗi nước và của cả khu vực.

Trà đàm thân mật
Từ hơn một tuần qua, truyền thông chủ nhà đã đưa đầy đủ, đậm nét các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tân Hoa xã, Đài Truyền hình T.Ư Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo, Giải phóng quân, Thanh niên, Hoa Nam buổi sáng, Quang Minh Nhật báo... đều đồng loạt đăng tải trên trang nhất tin bài và tin ảnh về chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Truyền thông nước chủ nhà nhận định, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là sự kiện chính trị - ngoại giao quan trọng khởi đầu năm 2017 mà còn nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Trung.

Vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Quốc tế Móng Cái. Ảnh:  Hùng Huy

Đặc biệt, trong các bài viết, tin tức được đăng tải dày đặc trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “trà đàm” thân mật là biểu tượng cho mối quan hệ "vừa là đồng chí vừa là anh em" của hai nước Trung - Việt. Cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kéo dài tới 80 phút, nhiều hơn 30 phút so với dự kiến và rất nhiều biệt lệ khác cũng được báo chí Trung Quốc nhận định là mang tới nhiều kết quả quan trọng, là cơ hội thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Việt.
Với 15 văn kiện được ký kết, trong đó có nhiều văn kiện hợp tác quan trọng về thương mại, đầu tư, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (12 - 15/1) được dư luận hai nước nhận định là động lực cho mối quan hệ “ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” song phương. Trên thực tế, dù lịch trình đày đặc những cuộc làm việc với các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nhằm bàn giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn dành thời gian để tiếp xúc với đại diện nhiều tập đoàn lớn của nước chủ nhà. Một mặt để cảm ơn các DN đã hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, một mặt tái khẳng định các cam kết của Việt Nam trong việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Trung Quốc vào hợp tác đầu tư.
Cơ hội cho các ngân hàng
Các buổi tiếp Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Chủ tịch Công ty Quản lý tài sản Đông Phương,… cho thấy, đầu tư đang là lĩnh vực được đặc biệt quan tâm trong quan hệ hợp tác Việt – Trung. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng, Việt Nam tăng cường quan hệ mậu dịch,  xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc là một tất yếu khi Mỹ có thể tăng cường bảo hộ mậu dịch trong nước. Nguồn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam tuy còn hạn chế so với nhiều quốc gia nhưng có thể sẽ tăng cường trong thời gian tới và hứa hẹn triển khai tốt hơn, khắc phục một số hạn chế. Theo đó, TS Nguyễn Trí Hiếu kỳ vọng, trong năm 2017, Trung Quốc có thể chủ trì một hiệp định thương mại tương tự Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để Việt Nam cùng tham gia và tăng cường hợp tác quốc tế về kinh tế.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, quan hệ mậu dịch giữa hai nước hiện nay chủ yếu dựa trên đồng USD, tuy nhiên, hiện đồng Nhân dân tệ (NDT) đã vào giỏ tiền tệ của IMF và đồng tiền này ngày càng mạnh lên. Vì thế, có thể trong thời gian tới, thanh toán xuất nhập khẩu của Trung Quốc sẽ bằng đồng NDT thay vì đồng USD. Từ tháng 12/2009, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chính thức cấp giấy phép thành lập cho Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) Chi nhánh TP Hồ Chí Minh và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) Chi nhánh Hà Nội. Tuy nhiên, hoạt động chủ yếu của các ngân hàng này là hỗ trợ cho các DN Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam có hoạt động xuất nhập khẩu cần quy đổi ngoại tệ. Các ngân hàng trong nước cần tăng cường làm việc, hợp tác với các ngân hàng Trung Quốc để trao đổi, hợp tác trong thanh toán, hỗ trợ xuất nhập khẩu, đặc biệt trong thanh toán bằng đồng NDT nhằm hỗ trợ DN, hay người lao động sang Trung Quốc làm việc gửi tiền về gia đình tạo dòng kiều hối tăng lên.
Đóng vai trò là cầu nối cho xuất nhập khẩu, phát triển hợp tác kinh tế, hoạt động tài chính, ngân hàng cần được chú trọng, có những bước chuẩn bị để bắt kịp với sự phát triển quan hệ mậu dịch giữa hai quốc gia. Trên nhiều phương diện, các ngân hàng cần tăng cường các dịch vụ liên quan tới đồng NDT và tăng cường bảo lãnh.
Hướng tới cân bằng trong thương mại
Nền kinh tế Trung – Việt liên quan chặt chẽ đến nhau, bổ sung hữu hiệu cho nhau, gắn bó lợi ích ngày càng chặt chẽ. Vì thế, theo ông Lăng Đức Quyền - nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề thế giới của Tân Hoa xã, Chính phủ Trung Quốc mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế song phương. Theo đó, xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác đầu tư, thương mại, thúc đẩy năng lực sản xuất trong khuôn khổ chiến lược “Một vành đai, một con đường”, “Hai hành lang, một vành đai” sẽ là những lĩnh vực được đặc biệt quan tâm nhằm tăng thêm động lực cho việc nâng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước lên một tầm cao mới trong bối cảnh tình hình mới.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong quan hệ thương mại - đầu tư là từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Riêng năm 2015, kim ngạch song phương đạt hơn 66,6 tỷ USD; 10 tháng năm 2016 đạt 57,6 tỷ USD (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2015). Tuy nhiên, việc Việt Nam xuất khẩu hơn 17 tỷ USD, nhập khẩu hơn 40 tỷ USD phản ánh sự mất cân bằng trong trao đổi thương mại Việt – Trung. Thực ra, tình trạng mất cân bằng trong giao thương Việt – Trung đã tồn tại từ nhiều năm qua và chưa được giải quyết triệt để, ảnh hưởng tới việc mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, lâu nay, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc mới chủ yếu là các sản phẩm hàng tiêu dùng, nông, thủy, hải sản – là những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, vì thế trong thời gian tới, Việt Nam cần nỗ lực thay đổi, phát triển để tạo sự cân bằng trong xuất nhập khẩu với các sản phẩm công nghệ cao.
Việc lãnh đạo hai nước khẳng định sẽ “áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm cải thiện hơn nữa tình trạng mất cân bằng thương mại hai nước” trong Tuyên bố chung là một thành công nổi bật trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát đi thông điệp tích cực cho việc cải thiện tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai nước.
Chiều 15/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức nước CHND Trung Hoa từ ngày 12 - 15/1 theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Trước đó, hai bên đã ra Thông cáo chung gồm 10 điểm (xem toàn văn trên kinhtedothi.vn tại đây).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần