Cơ hội mới cho hóa giải bất hòa

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự kiến đã được phía Mỹ và Trung Quốc công bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau vào ngày 29/6 tới, bên lề của hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 được tổ chức tại TP Osaka, Nhật Bản.

Sự kiện này được chờ đón và kỳ vọng vì là cơ hội mới cho Mỹ và Trung Quốc nếu không xử lý được ổn thỏa bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích hiện tại thì cũng giúp giảm được mức độ căng thẳng và gay cấn.
Để chuẩn bị cho cuộc gặp này, Mỹ và Trung Quốc đã nối lại đàm phán thương mại và theo lời của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin thì hai bên đã đi được tới 90% con đường phải đi để tới thỏa thuận cuối cùng. Đấy là những động thái rất tích cực và cho thấy có thể lạc quan về kết quả của cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình tới đây ở Osaka.
Cứ theo chiều hướng diễn biến của những động thái mới này thì khả năng hai người kia gặp nhau ở Osaka nhưng không đạt được kết quả gì bây giờ có thể được loại trừ. Gặp nhau mà không giải quyết được chuyện gì, tức là không đạt được thỏa thuận lớn hay nhỏ nào, sẽ chỉ lợi bất cập hại đối với cả ông Trump lẫn ông Tập Cận Bình ở hai nước và trên thế giới. Vì thế, khi quyết định gặp nhau ở Osaka, hai người này chắc chắn đã cùng hạ quyết tâm là sẽ phải có được thỏa thuận nào đấy ở Osaka bằng mọi giá, hoặc đã biết trước chắc chắn rằng hai bên có thể đạt được thỏa thuận mà vấn đề bây giờ chỉ còn là thỏa thuận ấy lớn hay nhỏ mà thôi. Cho nên, kết quả tối thiểu của cuộc gặp này giữa hai người ở Osaka sẽ phải như kiểu thỏa thuận mà họ đã đạt được dịp cấp cao thường niên năm ngoái của nhóm G20 ở Argentina.
Nhưng dù hai người này có đạt được kết quả gì ở Osaka thì vẫn không có nghĩa là mối quan hệ song phương này từ nay ổn thỏa và yên bình. Chuyện giữa Mỹ và Trung Quốc là chuyện ganh đua chiến lược lâu dài. Dù sao thì bớt gay cấn và quyết liệt nhất thời cũng vẫn còn hơn là tiếp tục gia tăng gay cấn và quyết liệt đối với cả hai bên và thế giới.