Cơ hội mới trong trạng thái “bình thường mới”

Ngọc Trâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thế giới đang thay đổi căn bản về cấu trúc và logic phát triển. Dưới góc nhìn của TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hậu Covid-19 đã đưa đất nước tiến lên nấc thang mới của quá trình phát triển. Đó là tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Đại dịch Covid-19 và sự lựa chọn chính sách của các nước
Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những rủi ro như kinh tế bị đình trệ, sản xuất đình đốn do bị đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới cung cấp nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Tiêu dùng cá nhân bị giới hạn trước những biện pháp cách ly. Biến số này đẩy kinh tế toàn cầu vào một cuộc khủng hoảng "vô tiền khoáng hậu", nhiều nước rơi vào suy thoái kinh tế.

Trong báo cáo “Viễn cảnh toàn cầu” mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gọi điều đang xảy ra do tác động của dịch bệnh Covid-19 là “Đại phong tỏa”. IMF ước tính sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới giảm khoảng 4,9% trong năm 2020, kể cả khi các chính phủ bắt đầu đưa ra các chương trình hỗ trợ. Tỷ lệ phá sản tăng gấp 3 lần, lên đến 12% trong năm 2020 từ mức trung bình 4% của các DN nhỏ và vừa trên thế giới trước đại dịch Covid-19. Hiện nay, khi các nước trên thế giới đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới và dự tính khả năng phong tỏa mới, nhiều nhà kinh tế cho rằng tình hình sẽ tồi tệ thêm trước khi trở nên tốt hơn.
 May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10, quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Để ứng phó, các nước đã tung ra các gói hỗ trợ; ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại nước sở tại. Bên cạnh việc tối ưu hóa sản xuất và chi phí, việc dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng còn nhằm để phân tán và giảm thiểu rủi ro. Một số chuỗi cung ứng được cơ cấu, sắp xếp lại thông qua mở rộng mạng lưới nhà cung cấp (outsourcing) để phân tán rủi ro, như đặt hàng mua linh kiện, nguyên liệu từ nhiều nhà cung cấp ở các nước khác nhau, mà không nhất thiết kéo theo dịch chuyển vốn đầu tư và sản xuất. Nhiều chính phủ đã hỗ trợ cho người dân, bảo đảm các DN tiếp cận được với sự hỗ trợ để không phải sa thải nhân công trong suốt giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, một số ngành kinh doanh lại có lợi từ cuộc khủng hoảng như thương mại điện tử, bán lẻ đồ ăn và chăm sóc sức khỏe, ít nhất tạo ra sự tăng trưởng kinh tế để bù đắp lại sự mất mát.

Kinh tế Việt Nam “thoát hiểm”

Tại Việt Nam, Chính phủ đã sớm xác định “chống dịch như chống giặc”, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Trên mặt trận kinh tế, hàng loạt các chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN về tiếp cận vốn, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử.

Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước, phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước. Thúc đẩy tiêu dùng trong nước; tăng đầu tư công. Có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới. Tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA)…

Có thể khẳng định, Chính phủ đã rất linh hoạt và chủ động trong ứng phó với đại dịch, các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành là rất quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó đã giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lập được môi trường ổn định cho các ngành phục hồi, phát triển trong trạng thái “bình thường mới”.

Truyền thông các nước đánh giá, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới trong năm 2020, mặc dù những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sụt giảm xuống còn 2,9%, từ mức 7% ghi nhận trong năm 2019. Tuy nhiên, Việt Nam hầu như đã xóa được tình trạng bần cùng trong dân số, từ mức 50% trong năm 1990 xuống còn 2% hiện nay và đang hưởng lợi từ chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, với công nghiệp chiếm 39% hoạt động và dịch vụ chiếm 47%.

Con người là tài nguyên của đất nước

Nhà kinh tế Mỹ nổi tiếng Nuriel Roubini cho rằng, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp sẽ làm gia tăng khủng hoảng kinh tế và địa - chính trị. Việt Nam tuy đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, song thế giới vẫn còn hơn 200 quốc gia đang có dịch với những diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh những tín hiệu tích cực, tình hình kinh tế quốc tế và trong nước vẫn còn những khó khăn, thách thức đe dọa sự sống còn của không ít DN. Ðể đưa đất nước tiến lên nấc thang mới của quá trình phát triển, không có con đường nào khác là tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo TS Trần Đình Thiên, đại dịch cũng là cơ hội để các nước có tiềm năng dân số như Việt Nam “biến nguy thành cơ” và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), chuyển đổi sang nền kinh tế số và gia tăng giá trị trên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, tương lai là con người chứ không phải tài nguyên “rừng vàng, biển bạc”. Việt Nam cần đầu tư cho con người để có sức cạnh tranh quốc gia tương xứng với quy mô dân số thứ 15 trên thế giới. Tầm nhìn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, chương trình hành động tới năm 2045 cần thể hiện được tầm nhìn chiến lược khái quát này.

Trong bối cảnh hiện nay, nước nào biết cách tập trung vào nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực nhiều hơn, tập trung khởi nghiệp sáng tạo nhiều hơn thì nước đó bứt lên. Mặt khác, nước nào chuyển sang quản lý số nhanh hơn, hiệu quả hơn thì nước đó sẽ thắng. “Đây là cơ hội để DN thoát khỏi cách tư duy cũ, trói buộc cũ; tiến vượt bậc để “đuổi kịp thế giới” và “đi cùng thời đại”; thoát khỏi lệ thuộc, vươn lên đẳng cấp mới” - ông Thiên chia sẻ.