Cơ hội nâng tầm hàng Việt

Lê Nam thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội chợ hàng Việt Nam TP Hà Nội năm 2017 sẽ tạo cơ hội cho các DN sản xuất, bản lẻ kết nối với người tiêu dùng (NTD). Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

 
Nhằm quảng bá hàng Việt đến NTD, Sở Công Thương đã liên tục tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam TP Hà Nội với quy mô lớn. Bà có thể cho biết về kết quả của các kỳ tổ chức trước?

- Nếu như trong kỳ tổ chức lần đầu tiên (năm 2013), Hội chợ hàng Việt Nam TP Hà Nội mới có quy mô 200 gian hàng, thu hút trên 100 DN, những lần tổ chức tiếp theo, quy mô và số lượng DN đã tăng mạnh. Chẳng hạn, Hội chợ lần thứ 4 năm 2016 đã quy tụ gần 200 DN, cơ sở sản xuất với nhiều DN công nghiệp chủ lực của Hà Nội và DN 19 tỉnh, TP trong cả nước tham gia. Hội chợ đã thu hút được hàng chục nghìn lượt NTD đến tham quan, mua sắm.
Điều quan trọng hơn cả là Hội chợ giúp NTD trong nước nhận thức đúng chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm của DN Việt Nam, xây dựng thương hiệu và nhận diện hàng Việt.

Hội chợ năm nay sẽ tổ chức như thế nào để tạo cơ hội cho DN quảng bá, hợp tác tiêu thụ sản phẩm?

- Hội chợ hàng Việt Nam TP Hà Nội 2017 được tổ chức từ 21 - 25/9 với quy mô 300 gian hàng. Nhằm đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa ngành công thương Hà Nội với các tỉnh bạn, Sở Công Thương Hà Nội đã có công văn đề nghị ngành công thương các tỉnh, TP trong cả nước cùng tham gia, qua đó tăng cường liên kết tiêu thụ, quảng bá sản phẩm Việt. Đến nay, một số tỉnh, TP đã xác nhận sẽ đưa các sản phẩm đặc sản vùng miền tham gia Hội chợ.
Cán bộ quản lý thị trường Hà Nội hướng dẫn cách phân biệt hàng thật - giả tại Hội chợ hàng Việt TP Hà Nội 2016. Ảnh: Thu Hương
Trong thời gian diễn ra Hội chợ, Sở Công Thương và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội cùng các DN bán lẻ tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu, liên kết giao thương giữa các DN, các tỉnh, thành cả nước”. Hoạt động này có tác dụng hỗ trợ cho các DN, cơ sở sản xuất của Hà Nội và các tỉnh, TP có cơ hội giới thiệu sản phẩm, đưa hàng vào hệ thống bán lẻ hiện đại của TP Hà Nội và các tỉnh, thành; tư vấn DN sản xuất về mẫu mã, bao bì... phù hợp với thị hiếu NTD, quy định DN bán lẻ khi tham gia vào kênh phân phối hiện đại. Đồng thời, sản phẩm của các DN tham gia Hội chợ được Ban tổ chức giới thiệu đăng ký tham gia Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được NTD yêu thích” năm 2017.

Ban tổ chức sẽ có giải pháp nào nhằm ngăn chặn hàng kém chất lượng bày bán tại hội chợ?

- Sở Công Thương Hà Nội đã yêu cầu DN tham gia phải là DN Việt Nam chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra các gian hàng tại Hội chợ, nếu phát hiện DN bày bán, giới thiệu hàng kém chất lượng, nhái mẫu mã, nhãn mác… sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức khu trưng bày hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm quy định về bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, giúp NTD có thêm kiến thức và kỹ năng để dễ dàng hơn trong việc nhận diện, phân biệt chất lượng sản phẩm một cách thông thường và đơn giản nhất. Từ đó không chỉ nâng cao ý thức trở thành “NTD thông thái” mà còn góp phần hạn chế sự lộng hành của các sản phẩm giả mạo trên thị trường.

Xin cảm ơn bà!

Tiếp sau Hội chợ hàng Việt Nam TP Hà Nội 2017, từ 17 - 20/10, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức Hội chợ quốc tế Quà tặng Hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2017. Đây là hoạt động được tổ chức thường niên vào tháng 10 tại Thủ đô. Dự kiến, hội chợ lần này có trên 650 gian hàng với khoảng 250 DN, cơ sở sản xuất trong và ngoài nước, thu hút khoảng 12.000 khách tham quan, trên 500 nhà nhập khẩu nước ngoài, trong đó có nhiều nhà nhập khẩu có sức mua lớn (trên 50 triệu USD/năm).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần