Cơ hội nào cho "đối thủ" của Vành đai và Con đường?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - G7 thúc đẩy đối trọng với "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, nhằm thách thức ảnh hưởng của Bắc Kinh trong đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển.

Sáng kiến do G7 đưa ra nhằm làm đối trọng với ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh đã được các nước khu vực Đông Nam Á hoan nghênh, dù vẫn còn chút nghi ngại.
Tại hội nghị thượng đỉnh cuối tuần trước ở Anh, Sáng kiến ​​Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn, hay còn gọi là B3W, đã được các thành viên G7 thúc đẩy. Dù chưa có thêm thông tin chi tiết và thời gian triển khai
Cơ hội cho sáng kiến từ G7
Chuyên gia Choi Shing Kwok - Giám đốc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho biết, các quốc gia Đông Nam Á đang cảnh giác với sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, tạo ra cơ hội tiềm năng cho B3W.
Lãnh đạo các nước G7 tại Hội nghị thượng đỉnh cuối tuần qua ở Anh. Ảnh: AP
Đồng thời, bản chất đa phương của B3W cũng khiến sáng kiến này có độ phức tạp và khả năng triển khai chậm rãi hơn BRI.
"Các quốc gia Đông Nam Á triển khai các dự án BRI do sự dễ dàng trong giao dịch, không phải vì lý do ý thức hệ hay địa chính trị”, chuyên gia này cho biết.  
Kế hoạch B3W sẽ được G7 và các đồng minh triển khai thông qua ​​huy động vốn của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực như khí hậu, y tế và an ninh sức khỏe, công nghệ kỹ thuật số, công bằng và bình đẳng giới.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia Mahendra Siregar chia sẻ với Reuters rằng nước này có một số dự án sắp mở để đồng đầu tư và sẵn sàng tăng cường hợp tác với các quốc gia phát triển.
Tuy nhiên, Bộ Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư của Indonesia - đầu mối liên hệ chính của Indonesia về các dự án BRI cho biết, các quốc gia G7 cần rũ bỏ sự miễn cưỡng trong quá khứ khi cam kết phát triển địa phương. Thận trọng hơn, Jodi Mahardi - người phát ngôn của Bộ, nói với Reuters: “Chúng tôi hoan nghênh sáng kiến ​​(B3W), nhưng cũng mong các nước phương Tây sẽ giữ lời”.
Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Philippines Karl Chua cho biết, nước này cởi mở trong việc hợp tác với đối tác có kinh nghiệm về cơ sở hạ tầng hiệu quả, như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.
"Thực tế là có một khoảng trống lớn về cơ sở hạ tầng mà chúng tôi nỗ lực lấp đầy mạnh mẽ trong 5 năm qua và sẽ tiếp tục làm như vậy", Bộ trưởng Chua cho biết.
Niềm tin vào BRI xói mòn
Năm 2017, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ước tính các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực sẽ cần chi 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm cho cơ sở hạ tầng đến năm 2030 để duy trì tăng trưởng.
Roland Rajah - một nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Lowy Institute có trụ sở tại Sydney, cho biết trong hầu hết các trường hợp, các quốc gia có thể lựa chọn giữa sự hỗ trợ của Trung Quốc hoặc phương Tây mà không bị ảnh hưởng chính trị. Ngoại trừ một số lĩnh vực “nhạy cảm” như viễn thông và các khu vực cảng chiến lược, các quốc gia sẽ cần suy tính hơn để có quyết định “đúng đắn” trong chọn lựa nhà đầu tư và nguồn vốn đầu tư.
Dự án BRI nổi tiếng nhất ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung đang phải đối mặt với tình trạng vượt quá chi phí. Hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để hợp tác trong hơn 2.600 dự án BRI trị giá 3,7 nghìn tỷ USD, theo cơ sở dữ liệu của Refinitiv.
Năm ngoái, Bắc Kinh cho biết khoảng 20% ​​dự án BRI đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Trung Quốc cũng đã thu hẹp một số kế hoạch sau khi vài quốc gia tìm cách xem xét, hủy bỏ hoặc cắt giảm các cam kết, với lo ngại về chi phí, ảnh hưởng chủ quyền và tham nhũng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần