Cơ hội phát triển và hội nhập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bức tranh kinh tế xã hội tại Hà Nội năm vừa qua là những gam màu sáng với những thành tựu khá ấn tượng với tổng giá trị sản phẩm (GRDP) trên địa bàn ước tăng 9,24%.

Đây là tiền đề quan trọng để Thành phố bước vào năm mới thuận lợi với cơ hội phát triển, vươn ra biển lớn khi nền kinh tế ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.

Những con số của một năm thành công

Điểm lại bức tranh kinh tế - xã hội năm 2015 tại Hà Nội, báo cáo của UBND TP cho biết: dù tình hình kinh tế khu vực và đất nước có nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Hà Nội trong năm qua đã duy trì tăng trưởng khá, đạt cao nhất trong 4 năm trở lại đây, với tổng giá trị sản phẩm (GRDP) trên địa bàn ước tăng 9,24%. Trong đó, có các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố, như dịch vụ tăng 9,91%, công nghiệp tăng 8,05%, xây dựng tăng 12,4% (cao nhất kể từ 2010). Quy mô GRDP năm 2015 đạt khoảng 27,6 tỷ USD, bình quân đầu người 3.600 USD – gấp 1,8 lần so với năm 2010. Đặc biệt thu ngân sách vượt hơn 10% so với dự toán, cao nhất trong những năm gần đây.
Cơ hội phát triển và hội nhập - Ảnh 1
Thành phố Hà Nội cũng được đánh giá đã tích cực thực hiện các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; xúc tiến kêu gọi đầu tư. Với tổng mức huy động vốn năm 2015 đạt 353.000 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2014. Đặc biệt, năm 2015 dấu hiệu kinh tế Hà Nội khởi sắc rõ nét, có 19.204 DN thành lập mới, với vốn đăng ký 140.840 tỷ đồng, tăng 31% so năm 2014 (số lượng và vốn đăng ký), nâng tổng số lên trên 180.000 DN…

Một trong những điểm sáng khác của Hà Nội cũng được Trung ương và các tỉnh, thành phố bạn ghi nhận đó là có 179 xã được công nhận nông thôn mới, vượt kế hoạch đề ra. Ngoài huyện Đan Phượng được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới, Thành phố có thêm 3 huyện là Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì đã đủ điều kiện để trình công nhận huyện nông thôn mới. Hà Nội cũng dẫn đầu cả nước về công tác cổ phần hóa, sắp xếp DN.... Với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chỉ số PCI năm 2014 đã tăng 7 bậc (vị trí 26/63 tỉnh, thành phố). Về đầu tư hạ tầng đô thị, năm 2015 được đánh dấu là năm khởi sắc với hàng loạt công trình trọng điểm quốc gia quy mô lớn, hiện đại đã hoàn thành hoặc đang được triển khai, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo hiện đại của Thủ đô như Cầu Nhật Tân, đường sắt đô thị trên cao; ….

Năm 2015 cũng là năm thứ hai Hà Nội tiếp tục chọn là “Năm trật tự, văn minh đô thị” và sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2016. Sau 2 năm thực hiện, bộ mặt đô thị TP đã sáng, xanh, sạch, đẹp hơn. Việc tiếp tục chọn năm 2016 là “Năm trật tự, văn minh đô thị” thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm từng bước xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị văn minh, hiện đại.
Cơ hội phát triển và hội nhập - Ảnh 2
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa rằng tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố năm vừa qua không có những khó khăn. Bởi số DN thành lập mới tăng, nhưng số DN ngừng hoạt động cũng tăng so với năm trước. Tiến độ một số công trình trọng điểm chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; còn có bức xúc của người dân liên quan đến quản lý nhà chung cư tái định cư, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân... Đây chính là những hạn chế Thành phố đã nhận thức rất rõ để có những giải pháp khắc phục trong năm 2016.

Đón đầu nền kinh tế hội nhập sâu

Bước sang năm mới 2016, nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp, ngành của Thành phố Hà Nội rất quan trọng và nặng nề bởi đây là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVI, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. HĐND Thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, trong đó nêu rõ, Thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 8,5 đến 9%; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 85 đến 87 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn từ 11 đến 12%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 7 đến 8%; giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,3% so với năm trước; thêm 17 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế…

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, năm 2016 và các năm tiếp theo, Thành phố cũng đã xác định tập trung và các giải pháp chủ yếu; trong đó quan trọng nhất vẫn là phát triển kinh tế. Cụ thể là sẽ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh cải cách hành chính trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư. Tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư và các giải pháp huy động nguồn lực trong nước, ngoài nước cho đầu tư phát triển. Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công. Đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, tăng cường thu hút vốn đầu tư FDI và quản lý sau cấp giấy nhứng nhận đầu tư.
Cơ hội phát triển và hội nhập - Ảnh 3
Bên cạnh đó là tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, viễn thông, các dịch vụ giám định khoa học, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh; đa dạng hóa nguồn lực phát triển du lịch, đầu tư hạ tầng du lịch và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm góp phần triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020 và thực hiện Năm trật tự và văn minh đô thị…

Trong năm 2016, Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành phê duyệt các quy hoạch chung và phân khu còn lại. Triển khai phát triển khu vực đô thị dọc hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài theo cơ chế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phát triển mạng lưới giao thông hiện đại, tập trung triển khai các công trình giao thông. Phối hợp với Bộ GTVT hoàn thành, đưa vào vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Tiếp tục thực hiện các mục tiêu đảm bảo trật tự xây dựng và văn minh đô thị, hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông; xây dựng các cầu vượt và cải tạo, xây dựng lại các cầu yếu. Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao, cấp đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; phát triển nhà ở xã hội và phục vụ nhu cầu các đối tượng thu nhập thấp....

Trong phát biểu chỉ đạo giao nhiệm vụ năm 2016 cho các cấp, ngành của Thành phố, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã nhấn mạnh: Mục tiêu và giải pháp đã rõ ràng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành là phải triển khai thực hiện quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới bảo đảm hoàn thành được khối lượng công việc lớn.

Một năm mới với nhiều kế hoạch đang mở ra, người dân kỳ vọng và tin tưởng rằng, Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục thành công trên nhiều lĩnh vực để xứng đáng vị thế “đầu tàu” của cả nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần