Cơ hội và thách thức từ CPTPP với doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Thiếu liên kết, doanh nghiệp sẽ khó thu lợi từ CPTPP”, là ý kiến được nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đưa ra tại Hội thảo CPTTP: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam, do Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 28/11, tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo. 
Với sự tham dự của hơn 300 đại biểu các bộ, ngành, tỉnh thành, các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam, các Hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam, Hội thảo tập trung làm rõ một số nội dung cam kết cơ bản trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ý nghĩa chiến lược của CPTPP đối với Việt Nam. Hội thảo có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam - Công ty Cổ phần (PVGAS).
PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh thông tin, ngày 12/11/2018, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn cùng các văn kiện liên quan, với 100% đại biểu có mặt tán thành CPTPP. Như vậy, với quyết định của Quốc hội, Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn CPTPP - một trong những hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay. Mặc dù nền kinh tế lớn nhất là Mỹ không còn tham gia Hiệp định làm thay đổi cơ cấu lợi ích của các nước còn lại, tuy nhiên những lợi ích và cơ hội mà CPTPP mang lại vẫn hết sức lớn.
Tuy nhiên, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nhiều ý kiến khẳng định vai trò của cơ quan nhà nước, nhưng thực tế doanh nghiệp phải nhận thức đầy đủ. Việc một doanh nghiệp đơn lẻ tự mình đứng vững trong CPTPP là khó. Do vậy, liên kết các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng là bài toán căn cơ để giải quyết vấn đề. Đây vốn là điểm yếu của doanh nghiệp Việt trong các năm qua. Các doanh nghiệp vẫn “đơn thương độc mã” trong hội nhập.
Các đại biểu cũng cho rằng, khi tham gia vào CPTPP, về phía cơ quan nhà nước, cần xem xét lại cơ sở hạ tầng, logistic. Bởi, khi xuất khẩu thì các vị thế logistic là rất quan trọng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết được những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức liên quan triển khai việc xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động với những cách tiếp cận mới, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức khi tham gia Hiệp định CPTPP.