Cơ khí Việt Nam đã chủ động nội địa hóa cao

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành cơ khí trong thời gian qua đã từng bước làm chủ thiết kế, chế tạo kết cấu thép và nâng cao tỷ lệ nội địa như Giàn khoan Tam Đảo 05; thiết bị phục vụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến 600MW…

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong năm 2018, để hỗ trợ cho ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, Bộ sẽ tạo các đơn hàng cho các sản phẩm cơ khí trọng điểm. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ ưu tiên chỉ định thầu trong nước đối với những DN có khả năng đáp ứng yêu cầu ở những công trình trọng điểm quốc gia để tạo những đơn hàng lớn cho phát triển ngành.
Công nhân sản xuất tại xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên
Trong kế hoạch hành động năm 2018, Bộ Công Thương cũng sẽ triển khai thực hiện hiệu quả các đề án hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã phê duyệt trong một số ngành trọng điểm như công nghiệp ô tô, điện tử, dệt may và da giày...
Bên cạnh đó, Bộ thực hiện xây dựng gói tín dụng ưu đãi cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thông qua các ngân hàng thương mại; Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút vốn các nguồn lực phục vụ hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ...
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng kiến nghị, Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa chữa Luật số 71/2014/QH13 để xử lý vấn đề thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm máy nông nghiệp nhằm tránh sự bất bình đẳng giữa máy móc sản xuất trong nước và máy móc nhập khẩu; trong đó bất lợi thuộc về sản xuất trong nước.
Theo đánh giá của Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Đào Phan Long, nhìn lại 15 năm, có thể nói ngành cơ khí Việt Nam có những bước tiến bộ về chế tạo kết cấu thép, thiết bị phi tiêu chuẩn. “Trước đây, tất cả dạng kết cấu thép, thiết bị phi tiêu chuẩn của các nhà máy công nghiệp, dàn khoan dầu khí, công trình thủy điện, thủy lợi, nhà máy xi măng, hóa chất đều phải mua của nước ngoài... nhưng nay Việt Nam đã chủ động được với tỷ lệ nội địa hóa cao”, vị này nhấn mạnh. Cùng với đó, Việt Nam cũng có tiến bộ rất lớn về việc đóng tàu và có thể đóng tàu 70.000 tấn, 105.000 tấn.
Toàn cảnh Hội nghị.
Bộ Công Thương cũng chỉ ra những hạn chế của ngành chế biến chế tạo, trong đó, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian thấp hơn so với chỉ số sản xuất sản phẩm phục vụ sử dụng cuối cùng cho thấy, sản xuất công nghiệp trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu, chưa thực sự đáp ứng tốt được yêu cầu đề ra.
Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các DN trong một ngành và giữa các ngành còn hạn chế, chưa tạo được mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hóa phù hợp với cơ chế thị trường. Nhiều DN đầu tư khép kín, chưa phối hợp năng lực sẵn có của các DN khác để tăng nội lực cho ngành và đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn.
Điều này một mặt làm tăng chi phí đầu tư cho sản xuất, mặt khác gây lãng phí năng lực chung của toàn ngành, tạo ra những cạnh tranh không đáng có giữa các DN trong ngành. Cùng với đó, vốn đầu tư vào công nghiệp đa số tập trung vào các ngành có thời gian hoàn vốn ngắn như công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến thực phẩm, số dự án đầu tư vào công nghệ cao chưa nhiều.
Sản xuất công nghiệp tăng 9,4%
Theo ​Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, với mức tăng 9,4%, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2017 đã vượt rất xa so với năm 2016 (ở mức 7,4%) và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đặt ra từ đầu năm (tăng 7,1 - 8%). Trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng 14,5%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 11,2% của năm 2016 và mức 10,5% của năm 2015.
Thực tế cho thấy, sản xuất trong nước đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội, kể cả các hàng hóa thông dụng và hàng hóa thiết yếu. Ghi nhận chỉ số PMI các tháng trong năm 2017 luôn cao hơn 50 điểm với sự đóng góp của các ngành điện tử, dệt, thép, ô tô...
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ngoài ra, ngành cơ khí đã từng bước làm chủ công tác thiết kế, chế tạo kết cấu thép, và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Trong đó, nhiều ngành có mức tăng trưởng cao và vững chắc như: ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 32,7%, ngành sản xuất kim loại tăng 17,6%, ngành dệt tăng 10,2%...
Nhiều ngành đã có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ sản phẩm đạt mức 2 con số như sản xuất đồ uống, dệt, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu..., tạo động lực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Tính chung cả năm 2017, chỉ số IIP nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 14,5%, đã góp phần bảo đảm cho tốc độ tăng chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp.
"Kết quả góp phần vào bảo đảm hoàn thành mục tiêu chung của toàn ngành công nghiệp năm 2017, quan trọng hơn đã và đang cho thấy quá trình tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp đang đi đúng hướng và có những chuyển biến tích cực" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định. Đồng thời đã giúp tồn kho của ngành công nghiệp chuyển biến tích cực, các sản phẩm công nghiệp tiếp tục duy trì mức thấp hơn so với mức tăng của 2016, chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến chế tạo tại thời điểm 1/12/2017 tăng 8% (cùng kỳ tăng 8,3%).
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, các ngành công nghiệp thời gian qua vẫn ​còn bộc lộ nhiều hạn chế, ​cụ thể hơn là việc chuyển dịch cơ cấu ở một số lĩnh vực công nghiệp chưa thực sự bền vững.
Giá trị gia tăng của sản phẩm ở một số ngành tuy có tăng nhưng còn chậm, khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp còn hạn chế đặc biệt là sản xuất công nghiệp vẫn chưa tham gia được nhiều vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Hơn nữa, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian thấp hơn so với chỉ số sản xuất sản phẩm phục vụ sử dụng cuối cùng cho thấy sản phẩm trung gian trong sản xuất công nghiệp nước ta còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nhập khẩu. Qua đây cũng cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự đáp ứng tốt được yêu cầu mục tiêu đề ra.
​Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn, mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế, chưa tạo được mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hoá phù hợp với cơ chế thị trường.
Theo dự báo, năm 2018 sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục đà tăng trưởng ở mức 9%. Để đạt mục tiêu này, Bộ Công Thương đang tích cực tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia. 

Bên cạnh đó, Bộ ​sẽ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các đề án hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện điện tử, sản phẩm cơ khí trọng điểm…