Có một nước Anh không sợ hãi

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một ngày sau vụ tấn công kinh hoàng gần Cung điện Westminster, người dân London đã tập trung ở trung tâm TP để tưởng niệm các nạn nhân xấu số.

Kết thúc ngày làm việc, hàng trăm người đã chậm rãi tiến tới khu vực quảng trường Trafalgar trung tâm London cùng ngài Thị trưởng London, Bộ trưởng Nội vụ, các cảnh sát và thành viên một số cộng đồng tôn giáo, để bày tỏ sự đoàn kết và quả cảm với thế giới.
Thị trưởng Sadiq Khan khẳng định: “chúng tôi tụ tập tại đêm nay để tưởng nhớ những người thiẹt mạng và ảnh hưởng bởi vụ tấn công kinh hoàng hôm 22/3, và cũng để gửi một thông điệp rõ ràng rằng người London không bao giờ chùn bước trước khủng bố... Những kẻ ác muốn phá hủy cuộc sống này sẽ không bao giờ thành công”.  
 
Bốn nghệ sỹ đường phố khác đã vẽ thông điệp đoàn kết trên các thềm đá phía trước Bảo tàng Quốc gia. Trong số đó, anh Dwaine Rossiter chia sẻ với CNN: “Chúng tôi không cảm thấy sợ hãi. Thường thường mỗi ngày bước ra đường tôi chỉ có suy nghĩ hôm nay sẽ kiếm được bao nhiêu tiền, nhưng hôm nay tôi chỉ muốn lan tỏa thông điệp rằng người dân Anh không sợ hãi. Thế giới này còn đầy hiểm nguy, nhưng chúng tôi sẽ sát cánh bên nhau”.
London từng nhiều lần đối mặt với khủng bố và tại lễ tưởng niệm hôm 23/4, nhiều người đã nhớ lại các vụ tấn công của Tổ chức ly khai IRA.
Cụ ông Jennifer Richards 67 tuổi chia sẻ: “Tôi đã ở đây từ năm 1975, trong thời kỳ liên tiếp xảy ra các vụ đánh bom của IRA và chúng chưa từng làm tôi khiếp sợ. Tôi yêu London và không thể rời khỏi nơi này”. Trong tâm trí người Anh, vụ tấn công hôm 22/3 khiến họ nhớ lại vụ đánh bom ngày 7/7/2005 ở hệ thống tàu London khiến 52 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương.
Patrick Johnson là một thanh niên người Anh có người thân thiệt mạng trong vụ năm 2005. Tối 23/3, anh đứng giữa đám đông tưởng niệm ở Trafalgar, cầm một bó hoa và biển chữ “London sẽ không bao giờ bị thất thủ! Chúng ta sát cánh làm một!”. Anh chia sẻ: “Vụ tấn công ngày 7/7 không đánh bại chúng ta thì lần này cũng vậy”.
Trong đám đông đến tưởng niệm còn có cụ ông John Loughrey 62 tuổi, trong chiếc áo len hình quốc kỳ, cùng hai lá cờ trong tay, người đàn ông Nam London có thời gian làm việc ở nhà thờ Westminster Abbey. Bất chấp lời can ngăn của bạn bè về sức khỏe, ông đã đáp chu‎yến tàu tới London, đặt hoa tại  và đi dọc phố Downing xuống quảng trường Trafalgar. Chậm rãi rút ra khỏi túi 22 cây nến, tượng trưng cho ngày 22/3 xảy ra vụ tấn công, ông nói “Chúng ta phải tiếp tục nỗ lực. Không thể để các kẻ khủng bố chiến thắng”.
Diễn ra cùng ngày với cuộc khủng bố tại Bỉ năm 2016 khiến 31 người thiệt mạng và 300 người bị thương, cuộc tấn công gần Quốc hội Anh một lần nữa nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống khủng bố vẫn còn là quãng đường dài và đầy khó khăn. Đọng lại trong tâm trí nhiều người Anh có thể là tiếng la hét hay những thi thể dưới vết xe tông của kẻ tấn công; nhưng nhiều trong số đó cũng sẽ không quên hình ảnh nghị sĩ Tobias Ellwood lao đến cầm máu và hô hấp nhân tạo cho viên cảnh sát bị kẻ khủng bố dùng dao tấn công. Truyền thông Anh khẳng định vì từng có anh trai thiệt mạng trong một vụ đánh bom năm 2002, nên Nghị sĩ Ellewood đặc biệt mẫn cảm trong vụ tấn công kinh hoàng hôm 22/3 và ca ngợi ông như một người hùng. London nói riêng và nước Anh đã trải qua những giờ khắc thật ám ảnh, nhưng cũng vì thế mà có lẽ sẽ mạnh mẽ, sẽ bất khuất hơn nữa trong cuộc chiến chống khủng bố.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần