Người dân đi từ Hà Nội về địa phương có phải cách ly?

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng có liên quan đến vùng dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh, những ngày qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận thêm các ca bệnh khác. Trước tình hình đó, cộng đồng mạng đang rất hoang mang và đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề người dân đi từ Hà Nội về các tỉnh/TP khác như: Họ có phải cách ly không, phải khai báo y tế ra sao…

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 xuất hiện trở lại với tốc độ lây lan nhanh chóng, các tỉnh/TP trên cả nước đều áp dụng những biện pháp, siết chặt phòng chống dịch Covid-19. Đa số những người dân ở các địa phương học tập và làm việc tại Hà Nội vẫn trở về địa phương bình thường. Chỉ những người có nguy cơ và biểu hiện nhiễm bệnh thì phải thông báo với cơ quan chức năng.
Đơn cử như tỉnh Thái Bình, để đối phó với tình hình dịch Covid-19, Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Công điện 04/CĐ-TU yêu cầu Nhân dân chủ động phát hiện và kịp thời báo cáo với cơ quan chức năng về những trường hợp có nguy cơ hoặc có biểu hiện nhiễm Covid-19, nhất là những người về địa phương từ những vùng có dịch. Đồng thời, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng dịch của Nhân dân. Theo Công điện này, người dân Thái Bình học tập và làm việc tại Hà Nội vẫn trở về địa phương bình thường. Chỉ những người có nguy cơ và biểu hiện nhiễm bệnh thì phải thông báo với cơ quan chức năng.
 Những người đi từ vùng dịch trở về địa phương cần thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, đặc biệt là những trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở…). 
Tương tự, ngày 28/1/2021, UBND tỉnh Hà Nam ban hành Công văn 264/UBND-KGVX yêu cầu Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Y tế tuyên truyền, vận động người dân về từ Hải Dương, Quảng Ninh và các vùng có dịch khẩn trương đến cơ quan y tế gần nhất để khai báo y tế, kiểm tra sức khỏe. Như vậy, người dân Hà Nam làm việc, học tập ở Hà Nội vẫn được trở về địa phương đón Tết, chỉ cần khai báo y tế tại cơ quan chức năng.
Trong khi đó, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND yêu cầu các đơn vị thực hiện việc tổ chức cách ly các đối tượng nguy cơ. Trong đó, địa phương áp dụng biện pháp cách ly tập trung các trường hợp F1 trong thời gian 21 ngày kể từ ngày trở về địa phương. Cách ly tại nhà, nơi cư trú trong thời gian 14 ngày đối với các trường hợp F2 và tất cả những người từ Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng và các địa phương có dịch trở về từ ngày 10/1/2021.
Đặc biệt, từ ngày 29/1/2021, tỉnh Thanh Hóa đề nghị người dân không đến các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, các địa phương có dịch và không trở về từ các vùng có dịch, cho đến khi có chỉ đạo mới của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Trường hợp thật sự cần thiết phải báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cơ sở và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Như vậy, Hà Nội là địa phương có dịch, người dân Thanh Hóa làm việc, học tập tại Hà Nội sẽ bị hạn chế về Thanh Hóa ăn Tết cho đến khi có chỉ đạo mới của tỉnh.
Còn tỉnh Nam Định cũng có Công văn 53/UBND-VP7 yêu cầu UBND TP Nam Định chỉ đạo xã, phường, thị trấn kiện toàn các tổ công tác với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để chủ động, tích cực điều tra, phát giác, ghi nhận, yêu cầu khai báo y tế tất cả các trường hợp từ nước ngoài, người về từ tỉnh khác lưu trú tại địa phương. Các đơn vị lập danh sách tất cả trường hợp trở về từ Quảng Ninh và địa phương có phát sinh ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng để thực hiện các biện pháp quản lý, cách ly theo quy định. Như vậy, nếu người dân trở về từ vùng có dịch như Hà Nội, tỉnh Nam Định cũng quản lý rất nghiêm ngặt, thậm chí đưa đi cách ly.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu- Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, hiện nay, một số địa phương có quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ với tất cả người dân về từ các tỉnh, TP có dịch như Hà Nội là chưa đúng. Bởi theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, những địa phương có ca nhiễm mới trong cộng đồng cần khoanh vùng hợp lý, chặt chẽ không nên làm quá rộng mà tê liệt các hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn nhưng cũng không làm quá hẹp để lây nhiễm có thể lan ra. Các địa phương phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết để an lòng dân cả vùng dịch và vùng không có dịch. Phòng dịch quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhưng vẫn phải bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là lo Tết cho người dân, để Nhân dân đón Tết an toàn, tươi vui là yêu cầu đặt ra đối với các cấp, địa phương.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, những người đi từ vùng dịch trở về địa phương không nên quá hoang mang. Điều đầu tiên, mỗi người khi trở về địa phương cần thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, đặc biệt là những trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở…). “Lúc này chúng ta phải xác định chung sống an toàn với dịch như thực hiện nghiêm đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người, hạn chế di chuyển nếu không có việc quan trọng. Đây là việc cần tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm”- PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Cũng theo ông, chính quyền địa phương các cấp, sở, ngành đến người dân phải nâng cao cảnh giác, nâng cao tinh thần phòng, chống dịch. Riêng mỗi người dân không được chủ quan, lơ là mà phải chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh theo thông điệp "5K" của Bộ Y tế. Bởi phòng bệnh cho mình chính là phòng bệnh cho gia đình, cộng đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần