Có nên cấm trông xe qua đêm trong sân trường? - Bài 2: Lãng phí nếu không tận dụng

Bài, ảnh: Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực tế cho thấy, trong hoàn cảnh TP đang quá thiếu điểm trông giữ phương tiện thì không chỉ sân trường, hàng trăm ngàn mét vuông sân nhà văn hóa, trung tâm thể dục thể thao, nhà hội họp khu dân cư… cũng đang được tận dụng làm nơi trông giữ ô tô, xe máy.

Và, những vi phạm này đang là một trong những giải pháp cứu cánh cho “cơn khát” giao thông tĩnh tại Hà Nội.
Sức ép từ nhiều phía
Theo nghiên cứu gần đây của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT), tổng diện tích giao thông tĩnh trên địa bàn Hà Nội hiện có là hơn 90ha, chỉ đáp ứng được 8 - 10% nhu cầu đỗ xe. Tại khu vực nội thành, đặc biệt là các quận Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy..., nhu cầu điểm đỗ xe rất cao nhưng khả năng đáp ứng lại thấp nên xuất hiện các điểm đỗ xe không phép. Do không đủ chỗ đỗ nên 90% phương tiện đỗ ở bãi xe chung cư, khu đô thị, trước cơ quan, công sở. Ðặc biệt, có tới 12% lượng phương tiện đỗ trên lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên về việc tổ chức trông giữ phương tiện trong sân trường, bà Trần Tú Anh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thịnh Hào, quận Ðống Ða cho biết, đây là việc làm tự phát của các nhân viên bảo vệ, bởi từ nhiều năm nay, nhà trường đã có văn bản cấm vấn đề này. Tiếp nhận phản ánh của báo Kinh tế & Ðô thị, nhà trường sẽ yêu cầu tổ bảo vệ chấm dứt ngay việc làm này, nếu còn tái phạm, nhà trường sẽ kiên quyết xử lý.

Sân trường Trường Tiểu học Tô Hoàng được tận dụng làm nơi trông giữ xe ba bánh,  xe ô tô qua đêm (Ảnh chụp tối ngày 3/4).

Dẫu biết câu trả lời của bà Tú Anh là không thuyết phục, bởi sẽ chẳng có một hành động tự phát nào diễn ra trong nhiều năm, mà lãnh đạo nhà trường lại… không biết. Vấn đề ở đây chính là sức ép từ những mối quan hệ xã hội, từ những nhu cầu thực của người dân trong hoàn cảnh khan hiếm các điểm đỗ như hiện nay. Ðó cũng là thực trạng chung của nhiều cơ sở giáo dục đang tổ chức trông giữ phương tiện qua đêm trên địa bàn TP.
Không cho phép là lãng phí
Từ thực tế trên, lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng nên xem xét cho phép tổ chức trông giữ phương tiện qua đêm trong sân trường nói riêng và các cơ quan, công sở, nhà văn hóa... nói chung. Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Lưu – Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân nhấn mạnh, nhu cầu gửi xe của người dân rất lớn, nhất là vào ban đêm. Trong khi đó, sân các trường học rộng rãi, không cho phép trông giữ xe vào ban đêm thì rất lãng phí. Bởi, đối với các nhà trường, sau giờ tan học của các em HS và đến thời điểm một ngày học mới bắt đầu, các sân trường đều không có hoạt động gì. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể thời gian trông giữ xe, có thể từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.
Ðây cũng là quan điểm của bà Lê Minh Nguyệt – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Ðông). Theo bà Nguyệt, với những nơi có diện tích rộng có thể linh động trông giữ xe ban đêm, nhưng phải bảo đảm giờ ra vào, không ảnh hưởng công việc chung. Tuy nhiên, việc thực hiện cần linh hoạt đối từng địa phương, cơ sở giáo dục đặc thù. Bên cạnh đó, các cấp ngành cũng cần đánh giá thực tiễn, có cơ chế rõ ràng vừa bảo đảm tính nghiêm minh, đồng thời chống lãng phí.
Ðồng quan điểm, bà Trịnh Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy nêu vấn đề, sau sự cố xảy ra tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên, UBND quận đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn ngay lập tức chấm dứt việc trông giữ phương tiện trong sân trường. Tuy nhiên, tại một số khu như Nghĩa Tân, Nam Trung Yên…, việc tìm được chỗ để đỗ xe vào ban đêm là việc không hề đơn giản. Do đó, nếu các cơ quan cho phép các đơn vị có chức năng làm việc với các cơ sở giáo dục để tổ chức trông giữ phương tiện trong sân trường qua đêm, quận sẽ ủng hộ. Tuy nhiên, việc trông giữ phương tiện trong sân trường phải bảo đảm thời gian, bảo đảm an toàn tuyệt đối về ATGT, an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy.
Theo tính toán của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT), với tốc độ tăng trưởng xe máy 7,66%/năm, ô tô 16,15%/năm, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 983.000 ô tô và 6,2 triệu xe máy; năm 2025 có 1,3 triệu ô tô và 7,3 triệu xe máy; năm 2030 có 1,7 triệu ô tô và 7,7 triệu xe máy. Nhu cầu về chỗ gửi xe qua đêm vì thế cũng tăng mạnh.
(còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần