Có nên đào tạo viết văn?

Dương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những "cái nôi” cho ra đời các cây bút, nhưng đến nay trường Viết văn Nguyễn Du chỉ còn là một khoa thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội.

Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của “Dự án đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực sáng tác văn học giai đoạn 2017 - 2030”, khoa Viết văn – Báo chí đã mở bàn tròn “Đào tạo tài năng sáng tác văn học” để tìm câu trả lời cho câu hỏi: Có nên đào tạo cây bút viết văn.
Đào tạo tài năng sáng tác văn học

Trường Viết văn Nguyễn Du thành lập năm 1979, đã cho ra “lò” một số cây bút có tên tuổi trên văn đàn Việt như: Hữu Thỉnh, Y Phương, Lâm Thị Mỹ Dạ, Y Ban, Tạ Duy Anh… và một số nhà văn trẻ như: Cấn Vân Khánh, Vũ Thị Huyền Trang… Nhưng khi trở thành khoa Viết văn – Báo chí, thì hướng phát triển tập trung vào đào tạo các phóng viên chuyên về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Chương trình đào tạo đó “xa rời” với mục đích đào tạo trước đây của "tiền thân" khoa Viết văn – Báo chí.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo phát biểu tại hội thảo.

Với hy vọng lấy lại giá trị truyền thống, khoa đã xây dựng đề án “Đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực sáng tác văn học giai đoạn 2017 - 2030”. PGS.TS Ngô Văn Giá – Trưởng khoa Viết văn – Báo chí cho rằng, việc đào tạo những người viết văn càng ngày càng khó. Trong xu hướng vận động của xã hội, viết văn không được coi là một nghề mưu sinh. Nhiều người quan niệm viết văn cốt để nổi tiếng chứ không phải viết vì xã hội, không cần đào tạo cũng có thể trở thành nhà văn và nổi tiếng, nên các cơ sở đào tạo mất dần sức hấp dẫn. Với những khó khăn và thách thức trên, thì có nên mở lớp học viết văn hay không? Câu trả lời của các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình là "có", bởi khả năng sáng tác văn học của mỗi người là khác nhau, một người có khả năng sáng tác thì nên học viết văn.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho biết: “Ở nhiều nước như Nga, Đức, Mỹ... đều mở trường viết văn, khoa viết văn. Riêng Mỹ có đến gần 30 cơ sở đào tạo viết văn trong các trường đại học. Chúng ta đọc được rất nhiều cuốn sách dạy sáng tác như Kỹ thuật viết văn, Kỹ thuật viết truyện ngắn, tiểu thuyết, Kỹ thuật viết thơ, Lao động nhà văn, Tâm lý học sáng tạo... Đấy là sách của các nhà văn nhà thơ nổi tiếng, các nhà giáo của khoa, các nhà nghiên cứu... nên việc “kể truyện” và “viết truyện” là hoàn toàn khác nhau”. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình cũng chỉ ra rằng: Người học viết văn cũng có người trở thành nhà văn. nhưng có người học viết văn trở thành nhà biên tập, nhà phê bình, nhà báo... Điều quan trọng là họ hiểu nghề văn và sự sâu sắc hơn về văn chương.

Thiếu cây bút trẻ, tác phẩm xuất sắc

Vì chưa có trường dạy viết văn, nên nghề viết văn ở Việt Nam đang “hẩm hiu”. Để kể tên được một vài cây bút trẻ theo nghề rất khó, họ chỉ coi viết văn để thỏa năng khiếu sáng tác của mình mà không coi đó là một nghề có thể mưu sinh. Thế nên, “Những người có khả năng viết văn chọn học những ngành khác rất nhiều. Chúng ta đang mất đi những tài năng văn chương” - TS Trần Ngọc Hiếu chia sẻ. Trước đây, nhà văn Việt Nam vẫn được chia thành các thế hệ: nhà văn tiền chiến, nhà văn chống Pháp, nhà văn chống Mỹ với những tên tuổi đình đám như Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Nguyễn Minh Châu… cùng những tác phẩm nổi bật. Ngày nay, trên văn đàn thiếu đi những nhà văn trẻ, tài năng, những tác phẩm xuất sắc.

Có thể thấy, Hội Nhà văn chỉ là nơi để các nhà văn, nhà thơ sinh hoạt trong quá trình “già hóa” bởi rất hiếm các cây bút trẻ. Trẻ nhất trong hội là Dili và Vi Thùy Linh thì nay cũng gần 40 tuổi. “Tre già măng mọc” nhưng với tình hình hiện nay thì “tre già” mà vẫn chưa thấy “măng mọc”.