Có nên đưa 5 triệu hộ kinh doanh vào Luật?

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/11, Quốc hội thảo luận Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Nên hay không nên đưa đối tượng hộ kinh doanh vào Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là vấn đề nhận được nhiều ý kiến tranh luận của ĐB Quốc hội.

Chính danh trong Luật là cần thiết
Theo quan điểm của cơ quan thẩm tra Dự Luật là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động.
Đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.
Khi thảo luận vấn đề này, ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) đồng tình với việc đưa 5 triệu hộ kinh doanh, trước hết là 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký vào phạm vi điều chỉnh của Luật sửa đổi. Theo ĐB, về bản chất kinh tế, pháp lý và thực tiễn thì hộ kinh doanh, trước hết là hộ kinh doanh đã đăng ký, là loại hình DN nhưng lại chưa được xem là DN. Nhiều hộ kinh doanh thậm chí có quy mô, số lao động còn lớn hơn công ty.
“Việc không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp đã để lại hệ quả pháp lý. Trong khi quyền và nghĩa vụ của công ty tư nhân đóng góp chưa đầy 10% GDP thì được quy định trong Luật Doanh nghiệp, còn hộ kinh doanh – nơi sinh kế của hàng chục triệu người, đóng góp hơn 30% GDP lại chỉ được chế định trong một Nghị định, bị hàng loạt hạn chế về quyền kinh doanh” - ĐB chỉ ra.
Đồng thời cho rằng, đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là để đáp ứng tốt hơn nhu cầu hội nhập. Việc được chính danh trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này sẽ giúp hộ kinh doanh có thêm nhiều điều kiện thuận lợi, thụ hưởng nhiều chính sách liên quan. Thu ngân sách nhà nước sẽ tăng lên khi các hộ kinh doanh hoạt động bài bản, minh bạch hơn, giảm thiểu sự thoả thuận thuế giữa hộ kinh doanh với cán bộ thuế, giảm nhũng nhiều và tham nhũng vặt…
Nên có một luật riêng
Ở quan điểm ngược lại, ĐB Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) cho rằng, các quy định trong Dự Luật về hộ kinh doanh không mới, chưa đạt kỳ vọng. Ban soạn thảo chưa đánh giá được tác động cụ thể, khi đưa vào thì có khó khăn, bất cập gì.
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cũng cho biết, qua khảo sát ý kiến một số hộ kinh doanh thì gần như tất cả đều không muốn chuyển đổi hình thức kinh doanh lên DN nhằm né nghĩa vụ nộp thuế, các giấy tờ, thủ tục kê khai phức tạp hơn, tăng chi phí gián tiếp, dù họ biết chuyển đổi lên DN, các hộ kinh doanh sẽ nhận nhiều ưu đãi, hỗ trợ hơn.
Nêu quan điểm quản lý hộ kinh doanh là đúng, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc đưa các hộ kinh doanh vào quy định của luật là nên và rất cần thiết, để tạo điều kiện và hỗ trợ cho hộ kinh doanh phát triển. Tuy nhiên không nên đưa vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), bởi hộ kinh doanh khác DN về quy mô, nhân lực, trình độ quản lý.
Theo ĐB, nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ quá sức chịu đựng, làm khó, hạn chế sự phát triển của loại hình kinh tế phổ biển và khá hiệu quả này. ĐB kiến nghị, trước mắt cần có một Nghị định về hộ kinh doanh cho phù hợp, để điều chỉnh, tạo điều kiện cho đối tượng này hoạt động, còn về dài thì nên có một luật riêng cho đối tượng này.
Một số ĐB khác cũng ủng hộ việc ra Nghị định riêng, sau đó là luật riêng cho hộ kinh doanh, điều này sẽ giúp thị trường tự lựa chọn loại kinh doanh thích hợp, tôn trọng tính đa dạng của thị trường, thúc đẩy sự sáng tạo của hộ kinh doanh, tạo thêm sự lựa chọn cho hộ kinh doanh cá thể thay vì chỉ có một con đường duy nhất là chuyển thành công ty hoặc DN.

Cùng ngày, thảo luận về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), việc chuyển ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sang ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của ĐB.

Một số ĐB cho rằng việc thu hồi nợ là nhu cầu thực tiễn của người dân, không nên cấm mà phải ràng buộc điều kiện. Ở quan điểm ngược lại, một số ý kiến lại cho rằng, nên cấm, vì ngành nghề này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Trong phiên thảo luận, các ĐB cũng đề xuất cấm kinh doanh với bóng cười, shisha, bởi đây là chất kích thích, gây tác hại đến sức khỏe và tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đề xuất, tiếp tục nghiên cứu bổ sung các nội dung này vào Dự Luật trong thời gian tới.