Có nên giảm số giờ làm?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu cùng lúc giảm số giờ làm việc/tuần và tăng một ngày nghỉ Tết Dương lịch sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Vì thế, rất cần cân nhắc giảm thời gian làm việc và đánh giá tác động khi tăng thêm một ngày nghỉ.
Ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ) đã có góp ý cho dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đề nghị giảm thời gian làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần, đang được dư luận xã hội, trong đó có DN và người lao động (NLĐ) đặc biệt quan tâm.
Bởi hiện nay trong số 154 quốc gia chỉ có khoảng 40 nước quy định thời gian làm việc 48 giờ/tuần, còn lại từ 40 giờ trở xuống. Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, bản chất của rút ngắn giờ làm việc phải dựa trên cơ sở năng suất lao động (NSLĐ).
 Công nhân làm việc tại Công ty May 10. Ảnh: Công Hùng
“Chúng ta rất mong muốn giảm số giờ làm việc cho NLĐ được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và giải quyết việc cá nhân. Nhưng NSLĐ đang thấp, sức cạnh tranh của từng DN và nền kinh tế không cao, đặt vấn đề giảm giờ làm lúc này chưa phù hợp” – ông Huân nêu quan điểm.
Ông Huân phân tích thêm: DN đang “yếu” rồi, khi rút xuống 44 giờ làm việc/tuần mà không kịp sản xuất theo đơn hàng, buộc phải chuyển sang giờ làm thêm sẽ tăng chi phí. Như thế, những DN vừa và nhỏ sẽ bị sụp. Vì vậy, giảm số giờ làm việc/tuần là bài toán cần cân nhắc kỹ. Về lâu dài khi NSLĐ tăng, điều kiện và khả năng của nền kinh tế tốt hơn lúc đó hãy tính đến giảm giờ làm xuống 44/tuần, trước mắt chưa nên.
Trước những ý kiến cho rằng số giờ làm việc của NLĐ khối cơ quan Nhà nước 40 giờ/tuần, trong khi NLĐ khu vực DN 48 giờ là mất bình đẳng, PGS.TS Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng LĐLĐ lại không đồng tình. Điều quan trọng, giảm giờ làm sẽ đem lại hiệu quả gì cho đất nước, lợi ích nào đối với DN và NLĐ có thu nhập ra sao.
Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam đang thấp, nếu giảm thời giờ làm việc nhưng tổng thu nhập của NLĐ không tăng chứng tỏ họ lười lao động. “Giảm giờ làm phải tăng NSLĐ. Trong khi NSLĐ chưa tăng hoặc tăng không cao thì chưa thể giảm thời gian làm việc xuống 44 giờ” – ông Thọ đề xuất. 
Tranh luận gay gắt nghỉ thêm một ngày
Cùng với đề nghị giảm số giờ làm việc mỗi tuần xuống 44 giờ, Tổng LĐLĐ đề xuất bổ sung thêm một ngày nghỉ dịp Tết Dương lịch. Theo đó, NLĐ sẽ có 2 ngày nghỉ Tết Dương lịch, thay vì một ngày như quy định hiện hành trong Bộ luật Lao động.
Theo Tổng LĐLĐ, hiện nay, Việt Nam có 10 ngày nghỉ lễ, Tết, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trên thế giới và khu vực. Khi tăng một ngày nghỉ dịp Tết Dương lịch, NLĐ có thêm thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm lo cho gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển.
Phần lớn NLĐ khi hỏi ý kiến đều đồng tình có thêm một ngày nghỉ dịp Tết Dương lịch được hưởng nguyên lương. Hơn nữa, trước đó, Chính phủ đề xuất nghỉ một ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7) nhưng sau đó rút lại. Nay Tổng LĐLĐ đề nghị thêm một ngày nghỉ dịp Tết Dương lịch là hoàn toàn phù hợp.
Nhưng về phía DN lại phản đối vì ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhất là khi kỳ nghỉ Tết Âm lịch dài ngày cách nhau không xa, rất có thể dẫn đến tiến độ DN giao hàng theo hợp đồng cho đối tác bị chậm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Tổng LĐLĐ không nên có sự so sánh với các nước có số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm nhiều hơn Việt Nam. Hơn nữa, Tổng LĐLĐ đề xuất nghỉ thêm một ngày dịp Tết Dương lịch nhưng chưa khảo sát, đánh giá tác động đến hoạt động kinh tế - xã hội và DN.
Mong muốn NLĐ có thêm một ngày nghỉ nhưng theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, nên cân nhắc đến quốc gia, NLĐ có lợi hơn không. Ông Thọ cho rằng, lẽ ra, những người làm chính sách phải nghĩ, Việt Nam có ít ngày nghỉ hơn một số nước nhưng thu nhập của NLĐ không cao hơn là vì sao?
Nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cũng nêu quan điểm chỉ nghỉ Tết Dương lịch một ngày vì sự phát triển của đất nước. Nghỉ một ngày Tết Dương lịch và ít ngày sau đó có 7 ngày nghỉ Tết Âm lịch là hoàn toàn hợp lý trong tình hình hiện nay.

"Tổng LĐLĐ nên đánh giá tác động đối với đất nước, DN và NLĐ trước khi có đề nghị giảm thời gian làm việc. Các DN dệt may không muốn giảm giờ làm. Với NSLĐ như hiện nay, nếu số giờ làm việc bị rút xuống đồng nghĩa với NLĐ giảm thu nhập, DN giảm doanh thu cũng như sức cạnh tranh." - TS Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội