Có nên nâng chiều cao các dự án cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội?

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tìm ra “cú hích” thúc đẩy cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội, sáng 4/4, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học nhằm tiếp thu những ý kiến đóng góp để hoàn thiện một số cơ chế khung trong việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Hầu hết các chuyên gia đều đồng tình vấn đề then chốt là “phải thoát được vòng luẩn quẩn trong lợi ích cải tạo chung cư cũ”. Việc nâng tầng hay hạ tầng các dự án tái thiết chung cư cũ vì thế được bàn luận ở nhiều góc độ.

Thực tế, đã có nhiều giải pháp, hội thảo chuyên sâu xoay quanh việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ tại Hà Nội được tổ chức song đến nay nhiều dự án vẫn trong tình trạng… “giậm chân tại chỗ”. Giải tỏa mặt bằng, thủ tục hành chính, lợi ích của doanh nghiệp và người dân vô hình chung trở thành "vòng kim cô" kìm lại tinh thần tái thiết tốt đẹp của hàng trăm chung cư cũ hiện nay.
   Nhiều dự án cải tạo khu chung cư cũ thuộc kế hoạch “cải tạo” gấp vẫn dùng dằng lợi ích ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Phát biểu tại buổi hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh: “Việc cải tạo chung cư cũ là một việc làm vô cùng khó khăn. Dù chúng ta bàn nhiều, không ít ý kiến thuyết phục, các giải pháp tưởng có vẻ khả thi mà diễn biến để hiện thực hóa lại vô cùng khó khăn. Cho nên, chỉ mới có khoảng 1% số dự án chung cư cũ được cải tạo là bởi lẽ đó. Lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp ai cũng hiểu, cũng công nhận nhưng chưa tìm ra được lời giải cuối cùng. Nếu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không làm được thì các tỉnh dù chung cư cũ rất ít cũng khó làm được.”

Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 1.273 chung cư cũ tại 76 khu và 306 khu chung cư độc lập có quy mô từ 2-5 tầng. Các khu này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990. Đa số các nhà chung cư cũ này đều hết niên hạn sử dụng và phân bố chủ yếu tại 4 quận nội đô (quận Ba Đình có 214 nhà, quận Hoàn Kiếm có 99 nhà, quận Đống Đa có 415 nhà và quận Hai Bà Trưng có 244 nhà). Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho các nhà đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác điều tra xã hội học, xây dựng nhiệm vụ thiết kế, quy hoạch tại 26 khu chung cư tập trung và 67 nhà chung cư độc lập. Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn rất hạn chế, đến nay mới có 14 chung cư cũ được xây dựng mới và đưa vào sử dụng, 5 chung cư cũ đang phá dỡ, triển khai xây dựng. Đáng chú ý là có 4 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời nhưng chưa có phương án xây dựng lại.

“Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định xác định rõ trách nhiệm của các chủ sở hữu nhà chung cư trong việc cải tạo lại nơi ở của mình, đồng thời cơ bản tháo gỡ những bất cập, tồn tại trong thực tế cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ độc lập. Mặc dù vậy vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp với thực tế tại Hà Nội, đặc biệt là khi cải tạo, xây dựng lại toàn khu chung cư cũ”, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.

Chính vì vậy, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất 6 cơ chế chính sách khung trên cơ sở quy định của Nghị định 101/2015/NĐ-CP gồm bổ sung tiêu chí lựa chọn nhà chung cư cũ đưa vào kế hoạch; cơ chế về quy hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; về lựa chọn chủ đầu tư; chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư; cơ chế tài chính cho dự án và phân cấp thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Tham gia tham luận tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng nên linh động cho phép tăng mật độ dân số ở mức độ nhất định bằng cách cho phép tăng chiều cao (số tầng) của dự án. Mặt khác, có thể chuyển dự án cải tạo chung cư cũ thành dự án trung, cao cấp để tận dụng vị trí, bù đắp chi phí tài chính mà không tăng mật độ dân số quá cao. Tránh việc thay chung cư cũ bằng chung cư mới xây nhưng chất lượng thấp do thỏa thuận với người dân về diện tích mà không cam kết rõ về chất lượng và mức độ hoàn thiện.

Trong khi đó, bàn luận về quy định khung cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ, vướng mắc trong tái thiết chung cư cũ, PGS. TS Vũ Thị Minh – Trường Đại học Kinh tế quốc dân lại ủng hộ việc hạ tầng thay vì nâng tầng chiều cao (số tầng) của các dự án cải tạo chung cư cũ. Hà Nội hiện tại nhìn từ trên cao xuống rất xấu về mặt mỹ quan, nếu tiếp tục nâng tầng các dự án có khả năng sẽ khiến cho bức tranh đô thị thêm lộm cộm. Có thể thấy rằng, khi tiến hành việc cải tạo tổng thể các khu chung cư cũ sẽ có phần diện tích đất khoảng trống, sử dụng chung của các chung cư cũ sẽ được quy hoạch và bố trí phục vụ mục đích công cộng như công viên, cây xanh, tiện ích khác và một phần diện tích đất và không gian xây dựng sẽ bố trí diện tích để làm mặt bằng kinh doanh thương mại. Chính vì thế, Hà nội cần xây dựng cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng phần diện tích đất ngầm cho phục vụ các mục đích thương mại. Đây sẽ là nguồn lực tài chính bền vững cho quá trình cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ. Trên thực tế, đã có các quốc gia vận dụng rất thành công công cụ tài chính đất đai trong tái thiết các chung cư cũ như Nhật Bản, Hàn Quốc...thông qua quy hoạch tái thiết mạng đường phố dạng ô bàn cờ để tạo ra nhiều mặt tiền và tận dụng không gian ngầm.

Đồng quan điểm, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội nhấn mạnh cần tôn trọng quy hoạch chung của thành phố trong quá trình cải tạo chung cư cũ: “Quy hoạch cải tạo, tái thiết chung cư cũ phải được lập quy hoạch cho toàn khu, đồng thời phải tuân thủ quy hoạch của thành phố về quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành với các tiêu chí chính là: “dân số, không gian và hệ số sử dụng đất”. Cấu trúc khu chung cư sau cải tạo không nhất thiết phải là mô hình đơn vị ở phổ biến mà có thể là khu đô thị đa chức năng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần