Có nên tiếp tục hợp tác với nhà đầu tư Condotel?

KT&ĐT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 3 tháng tôi đã đặt bút ký hợp đồng mua một căn hộ Condotel tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) với cam kết lợi nhuận 12%/năm trong thời gian 10 năm. Gần đây, sau sự cố “vỡ trận” của Cocobay Đà Nẵng nên tôi đang muốn rút vốn đầu tư, nhưng được thông báo sẽ mất một khoản phí và việc lấy lại vốn sẽ phải chờ đến khi chủ đầu tư bố trí được kinh phí. Nhờ quý báo tư vấn giúp, tôi có nên tiếp tục hợp tác với chủ đầu tư nữa hay không?

Nguyễn Thu Trang, phố Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Chị Trang thân mến!
Sản phẩm căn hộ khách sạn (hay còn được gọi là Condotel) đã không còn xa lạ đối với người Việt Nam, đây là một dòng sản phẩm linh hoạt, vừa có thể ở vừa có thể cho thuê, kinh doanh... chính vì sự linh hoạt, đa năng của dòng sản phẩm này nên mặc dù đã du nhập vào Việt Nam được 10 năm nay, nhưng Chính phủ vẫn chưa thể ban hành một khung quy định pháp lý cụ thể cho dòng sản phẩm này.
 Nhà đầu tư thứ cấp cần lựa chọn các chủ đầu tư dự án Condotel uy tín để tránh những rủi ro như tại dự án Cocobay Đà Nẵng.
Condotel được phát triển trên cơ sở những cam kết lợi nhuận cao của các chủ đầu tư đó với khách hàng của mình – là những nhà đầu tư thứ cấp. Trong khi chưa có bất cứ một căn cứ pháp lý nào và không có quy định về sự bảo lãnh từ ngân hàng đối với dòng sản phẩm này.
Theo các chuyên gia, chính vì việc chưa rõ ràng về pháp lý nên đã dẫn đến những rủi ro trong quá trình đầu tư kinh doanh dòng sản phẩm này, mà người chịu thiệt nhiều nhất đó chính là người dân. Sự việc chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng tuyên bố không đủ khả năng chi trả lợi nhuận cho khách hàng của mình là một minh chứng.
Sự việc của Cocobay Đà Nẵng đã làm mất niềm tin của đại bộ phận những nhà đầu tư thứ cấp đã và đang tham gia đầu tư vào dòng sản phẩm này và trường hợp của chị không phải là ngoại lệ. Nhưng ở thời điểm khi đã ký hợp đồng và nộp tiền, nếu muốn lấy lại tiền đầu tư thì nhà đầu tư thứ cấp sẽ phải chịu những chế tài tương đối nặng theo những điều khoản của hợp đồng. Ngoài việc phải bồi thường hợp đồng thì khách hàng còn phải chịu thêm các chi phí khác, như: chi phí đại lý môi giới, chi phí hồ sơ chuyển nhượng, công chứng, chi phí quản lý doanh nghiệp...
Vì vậy, theo lời khuyên của các chuyên gia, nếu như doanh nghiệp mà chị đang cộng tác là đơn vị có uy tín trong phát triển BĐS, có năng lực quản lý, vận hành dự án và có tiềm lực tài chính ổn định thì chị nên tiếp tục hợp tác. Còn ngược lại, chị hoàn toàn có thể lựa chọn theo hình thức rút lui và chấp nhận các chế tài.