Có nên xây dựng quy định riêng về đạo đức công vụ?

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/12, tại Hội thảo khoa học “Nâng cao trách nhiệm công vụ, đẩy mạnh dân vận chính quyền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội trong điều kiện mới” do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với TP Hà Nội tổ chức, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã “hiến kế” cho TP để nâng cao hơn nữa trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, góp phần xây dựng nên hành chính hiện đại, hiệu quả.

Khắc phục tình trạng cán bộ né tránh trách nhiệm, phiền hà, sách nhiễu, vô cảm
Tại hội thảo, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong nâng cao trách nhiệm công vụ. Tham luận tại hội thảo, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết: Theo đánh giá kết quả xếp loại cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan hành chính cấp huyện trở lên năm 2018: Số hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 27,15%. Tại đơn vị sự nghiệp công lập, số toàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 36. Đối với cán bộ, công chức cấp xã, 24,13% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
 Quang cảnh hội thảo. 
Tuy nhiên, theo thống kê toàn TP, năm 2018, Hà Nội có 451 cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao; 418 cán bộ vi phạm bị xử lý kỷ luật. Tình trạng một số công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình cố tình gây khó dễ cho các cá nhân, tổ chức đến liên hệ công tác…Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, giải quyết công việc sai quy định, thái độ làm việc vô cảm trong tiếp công dân…đã gây bức xúc trong dư luận Nhân dân.
 Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Vũ Thu Hà. 
Theo bà Vũ Thu Hà, nguyên nhân của tình trạng trên là một số lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị chưa gương mẫu nên tác động tiêu cực đến tư tưởng của cấp dưới. Một số cán bộ, công chức mặc dù có trình độ chuyên môn cao nhưng do đạo đức kém nên hiệu quả công việc thấp, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của bộ máy công quyền.
“Có cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức việc giáo dục tinh thần trách nhiệm, cũng như xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm đạo đức nên chưa thật sự có tính răn đe, làm gương” – Bà Vũ Thu Hà nêu.
Còn theo Nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt, nâng cao trách nhiệm phục vụ người dân và DN của cán bộ, công chức, viên chức trong khi thi hành công vụ là nhân tố quan trọng nhất đảm bảo tính kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, tạo dựng hình ảnh đẹp đẽ về một nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Tuy nhiên, nếu như sức mạnh của pháp luật là sự cưỡng chế, bắt buộc thì sức mạnh của đạo đức là niềm tin cá nhân, là nền nếp văn hóa, truyền thống dân tộc, là sức mạnh dư luận xã hội.
 Nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt. 
Vì vậy, nâng cao đạo đức công vụ, biến nhận thức đạo đức công vụ thành hành vi đạo đức khi thi hành công vụ của người cán bộ công chức là việc làm hết sức cần thiết. Từ đó sẽ khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm, phiền hà, sách nhiễu, vô cảm, tham nhũng, lãng phí nơi công sở.
Thêm công cụ kiểm soát cán bộ
Dưới góc nhìn của một doanh nhân, ông Nguyễn Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) khẳng định đạo đức công vụ là chìa khóa để hướng tới nền hành chính phục vụ Nhân dân và DN.
Nêu một số giải pháp để nâng cao đạo đức công vụ, ông Nguyễn Hoàng  kiến nghị Thủ đô cần xây dựng một quy định riêng về đạo đức công vụ bám sát vào Luật Thủ đô và thực tế trong thi hành công vụ hiện nay. Từ đó, cần nghiên cứu toàn bộ các luật và quy định liên quan như Luật Cán bộ, công chức, Luật khiếu nại, Tố cáo, Luật thực hành tiết kiệm,…để đề xuất với Chính phủ và Quốc hội ban hành một luật riêng về đạo đức công vụ.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Thang Văn Phúc - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ có thêm công cụ để kiểm soát cán bộ. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu hình thành nền tảng lý luận, triết học về các giá trị đạo đức, đạo đức xã hội, làm cơ sở cho việc xây dựng “khung” đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức trong điều kiện mới.
 Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc. 
Bên cạnh đó, cần thực sự kiên trì xây dựng mô hình nhà nước pháp quyền và nền hành chính chuyên nghiệp hiện đại. “Xây dựng các thể chế tổ chức và hoạt động công vụ theo mục tiêu tăng cường tính công khai, minh bạch, quản lý nhà nước bằng pháp luật. Đây là cơ sở để đầy lùi tính vô cảm, vô trách nhiệm, tham nhũng, lãng phí” – ông Thang Văn Phúc nói.
Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cũng cho rằng, để nâng cao đạo đức công vụ, cần tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức; hoàn thiện cơ chế giám sát của người dân, tổ chức đối với hoạt động của cán bộ, công chức. Đồng thời, sớm cải cách hệ thống chính sách tiền lương, tiền thưởng và đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ; hoàn thiện các quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn và phương pháp xác định vị trí việc làm phù hợp với tùng ngành, lĩnh vực.