Cổ phần hóa rộng cửa với nhà đầu tư ngoại

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/12, Bộ Tài chính đã tổ chức Họp báo về tình hình cổ phần hóa (CPH) năm 2017.

Năm 2017, tiến trình CPH vẫn chậm, tuy nhiên, thoái vốn DN Nhà nước lại đạt nhiều thành công khi việc thoái vốn tại một số “ông lớn” như Vinamilk, Sabeco… được nhà đầu tư quan tâm và cổ phiếu bán được giá cao.
Trả lời cho câu hỏi về những lo lắng, liệu có mất thương hiệu Việt khi việc thoái vốn chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài mua phần lớn, đại diện Bộ Tài chính cho hay, việc giữ được thương hiệu hay không còn do thị trường, người dùng quyết định.

Nhiều thương vụ thoái vốn Nhà nước thành công

Theo đại diện Bộ Tài chính, đến ngày 15/12/2017, cả nước đã có 8 DN Nhà nước được phê duyệt đề án cơ cấu lại giai đoạn 2017 – 2020 và một đơn vị được phê duyệt danh mục các DN thực hiện sắp xếp, CPH, thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020. Tính đến ngày 20/12, có 45 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Tổng giá trị thực tế DN là 213.747 tỷ đồng, gấp 6 lần tổng giá trị thực tế các DN đã CPH trong năm 2016. Giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN là 88.390 tỷ đồng, gấp 3,5 lần giá trị thực tế phần vốn Nhà nước của các DN đã CPH năm 2016.

Dây chuyền sản xuất bia Sài Gòn. Ảnh: Tuấn Anh

Về thoái vốn Nhà nước tại các DN, trong năm 2017 có 10 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 8 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017 và 2 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018. Cụ thể, đối với chuyển nhượng vốn Nhà nước tại Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ngày 18/12, Bộ Công Thương đã tổ chức bán đấu giá thành công 343.662.587 cổ phần (53,59% vốn điều lệ) của Sabeco qua Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh với mức giá thành công bình quân được xác định là 320.000 đồng/cổ phần. Nhà nước dự kiến thu về khoảng 109.972 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD.

Về thoái vốn đầu tư vào các ngành không thuộc ngành sản xuất, kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty, DN Nhà nước, trong năm 2017 các đơn vị đã thoái được 182 tỷ đồng, thu về 292 tỷ đồng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (gồm Bất động sản, Chứng khoán, Tài chính - Ngân hàng, Bảo hiểm và Quỹ đầu tư) và thoái được 1.803 tỷ đồng, thu về 2.953 tỷ đồng tại các lĩnh vực khác ngoài 5 lĩnh vực trên.

Đại diện Bộ Tài chính thừa nhận, việc thực hiện CPH, cơ cấu lại DNNN còn chậm, chưa đạt tiến độ, kế hoạch đề ra. Cụ thể, Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty lớn vẫn chưa ban hành. Vẫn còn nhiều Bộ, ngành, địa phương, đơn vị còn bị động, chưa quyết liệt, gây ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp, CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN năm 2017 của cả nước. Công tác đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của các DNNN sau khi CPH chưa thực hiện nghiêm túc (có tới 747 DN chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán). Chậm chuyển giao các DN sau CPH về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC.

Đầu tư trở lại cho tái cơ cấu DN

Nói riêng về thương vụ Sabeco, Cục trưởng Cục Tài chính DN Đặng Quyết Tiến cho biết, việc thương hiệu mất hay không quan trọng là khi ký kết hợp đồng, điều kiện về thương hiệu phải tốt. Ngoài ra, ông Tiến cũng nhấn mạnh, việc giữ được thương hiệu hay không còn do thị trường, người dùng quyết định. “Ta sẵn sàng mời gọi nhà đầu tư mang lợi ích lớn đảm bảo an sinh, môi trường, cho người dân Việt Nam nhưng sẵn sàng xóa xổ thương hiệu gian dối, làm ảnh hưởng đến thương hiệu Việt Nam”- ông Tiến nói. Ông bày tỏ, DN Việt Nam có quy mô lớn hiện nay phần lớn là DNNN trong khi DN tư nhân mới đi lên và sức bền vững không có. “Vì thế ta buộc phải giải phóng nguồn lực”- ông Tiến nhấn mạnh.

Với khoản tiền gần 110.000 tỷ đồng từ bán vốn Sabeco, đại diện Bộ Tài chính cho biết, số tiền trên theo kế hoạch sẽ đổ về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa DN Nhà nước trong vài ngày tới (theo kế hoạch là ngày 28/12). Quỹ này được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, không chỉ tạo nguồn cân đối ngân sách đầu tư mà còn chi giải quyết vấn đề trong CPH như lao động dôi dư và các vấn đề khác. Việc thoái vốn vừa qua ở Sabeco hay Vinamilk và các DN khác trước đó đều là để tạo nguồn cho việc chi đầu tư các dự án theo Nghị quyết của Quốc hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần