Thị trường chứng khoán hôm nay ghi nhận, tổng số 19 mã cổ phiếu ngành cao su niêm yết trên bảng điện tử thì chỉ có 5 mã tăng giá, còn lại là giảm và đứng giá.
Các loại cố phiếu tăng giá có thể kể đến là: HNG (Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai), PHR (Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa), DRC (Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng), DRI (Công ty Cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk) và VRG (Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam). Trong số này, HNG được xem là “ngôi sao” sáng của cổ phiếu ngành cao su. Vì, trong 20 phiên giao dịch gần nhất, HNG có đến 12 phiên tăng giá.
Ở chiều ngược lại, các loại cổ phiếu cao su khác như: SCM (công ty cổ phần công nghiệp cao su miền nam), TRC (Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh), RCD (Công ty Cổ phần Xây dựng - Địa ốc Cao su), PHR (Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa), DPR (Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú), RTB (Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên)… đều giảm và đứng giá.
Trong số này, PHR là cổ phiếu được nhà đầu tư đánh giá cao nhưng bất ngờ quay đầu giảm giá. Cổ phiếu có chỉ số “tín nhiệm” thấp nhất có lẽ là HRG (Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội). HRG “bất động” trong trạng thái giảm và đứng giá tại 20 phiên giao dịch gần nhất.
Theo nhận định của nhiều nhà đầu tư thì giá cổ phiếu cao su lệ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, quan nhất vẫn là tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết tại thị trường nội địa và sản lượng cũng như giá cao su xuất khẩu.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 01/2019 đạt 157,15 nghìn tấn, trị giá gần 200 triệu USD, giảm 9,1% về lượng và giảm 5,1% về trị giá so với tháng 12/2018.
Trung Quốc tiếp tục là nước nhập khẩu cao su của Việt Nam lớn nhất, với kim ngạch tháng 1 năm 2019 đạt gần 132 triệu USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Ấn Độ đứng thứ hai về kim ngạch, ứng với 17,78 triệu USD, tăng 6,62% so với tháng 1 năm 2018. Hàn Quốc là nước nhập khẩu lớn thứ 3, tuy nhiên có sự giảm về kim ngạch (-14,03%), ứng với 6,18 triệu USD. Ba nước này chiếm 77,88% tổng kim ngạch nhập khẩu cao su của Việt Nam trên thế giới.
So với cùng kỳ tháng 1 năm 2018, chỉ có 10/27 nước có sự tăng trưởng về kim ngạch, đáng kể như Hà Lan (tăng 2 lần về kim ngạch, ứng với 2,41 triệu USD), Phần Lan (tăng 82,36%) và Mê hi cô (tăng 67,18%) là hai nước tuy kim ngạch chưa cao, nhưng có tăng trưởng lớn về kim ngạch cho thấy nhiều tiềm năng trong thời gian tới.
Ngược lại, Malaysia (giảm gần 76%, ứng với 3,89 triệu USD), Đài Loan (giảm 53,53%, ứng với 2,49 triệu USD), Hoa Kỳ (giảm 30,5%, ứng với 4,22 triệu USD), Hàn Quốc (giảm 14,03%, ứng với 6,18 triệu USD) là các nước kim ngạch lớn nhưng lại giảm về kim ngạch ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam tuy tăng so với cùng kỳ nhưng tỷ lệ tăng thấp so với tháng 1 năm 2018.
Theo dự báo của các chuyên gia, mức tăng trưởng tiêu thụ cao su thiên nhiên của toàn cầu trong năm 2019 sẽ chậm lại, còn 2,5%/năm. Thêm nữa là diễn biến thị trường chứng khoán và hàng hóa thế giới sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu cao su. Căng thẳng thương mại giữa các nước lớn với nhau, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (nếu kéo dài) và Mỹ quyết định áp thuế lên ô tô và phụ tùng ô tô từ Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu cao su tự nhiên của nước này. Và như thế thị trường xuất khẩu cao su tự nhiên từ Việt Nam sẽ bị thu hẹp lại.
Ngành cao su Việt Nam với khẩu hiệu “Cao su Việt Nam kết nối - Cùng phát triển” đang cần những thay đổi mạnh mẽ để chặn đà đi xuống, hạn chế xuất khẩu thô, khép kín chuỗi cung ứng, giữ vững vị trí “Top 3” toàn cầu.
Muốn như vậy, cao su Việt Nam cần tiếp cận, mở rộng thị trường mới và thoát khỏi các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật, Mỹ…
Hiện nay, chỉ số triển vọng phát triển của ngành cao su (P/E - Thị giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu) dù ở mức cao (14 lần) nhưng khó có thể bảo đảm sẽ tiếp tục được duy trì và hấp dẫn nhà đầu tư vào “vàng trắng” trong tương lai gần, nếu không có đột phá về thị trường xuất khẩu.