Cổ phiếu dược: OPC níu giữ nhà đầu tư

Sông Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà đầu tư xếp ngành dược vào nhóm phòng thủ nhưng có sức hút lớn. Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC (MCK: OPC - HOSE) được xem là một trong những “ngôi sao” sáng của ngành này, vì tiềm năng phát triển cao.

Thị trường chứng khoán ngày 13/3 tiếp tục tăng mạnh, Vn-Index đã vượt ngưỡng 1.000 điểm đúng như kỳ vọng của giới đầu tư. Hầu hết cổ phiếu các nhóm ngành đều tăng điểm, trừ cổ phiếu ngành dược phẩm, y tế, hóa chất. Trong tổng số 41 cổ phiếu của ngành này chỉ có 9 mã tăng giá, còn lại 32 mã giảm giá và đứng giá.
Cổ phiếu dược, OPC níu giữ nhà đầu tư.
Ghi nhận 10 phiên giao dịch gần nhất của “TOP 5” cho thấy: Cổ phiếu DHG (Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang - HOSE) có 6 phiên giảm và đứng giá; Cổ phiếu DGC (Công ty Cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang - HNX) có 7 phiên giảm và đứng giá; Cổ phiếu TRA (Công ty Cổ phần Traphaco - HOSE) có 7 phiên giảm và đứng giá; Cổ phiếu DMC (Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO - HOSE) cũng có 7 phiên giảm và đứng giá.
Mã OPC cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trong 10 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu này có 6 phiên giảm và đứng giá. Nhưng OPC đã kịp lấy lại “màu xanh” trên bảng điện tử trong 2 phiên gần nhất. Điều này cho thấy nhà đầu tư đã không “lạnh nhạt” với một trong những công ty thực hiện cổ phần hóa sớm nhất của Bộ Y tế.
OPC theo đuổi kinh doanh các lĩnh vực: Trồng và chế biến dược liệu; Sản xuất, kinh doanh dược phẩm, vật tư, máy móc, trang thiết bị y tế (không: Gia công cơ khí, tái chế phế thải, xi măng điện, sơn, hàn tại trụ sở), hóa chất (trừ hóa chất có tính độc hại mạnh), mỹ phẩm, thực phẩm (trừ chế biến thực phẩm tươi sống tại trụ sở); sản xuất, mua bán: Rượu, nước uống có cồn, nước uống có gas (không sản xuất tại trụ sở); kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch: Nhà nghỉ (không hoạt động tại trụ sở)…
Dư địa phát triển của ngành dược phẩm, y tế, hóa chất vẫn còn rất nhiều.
Báo cáo tài chính năm 2018 của OPC cho thấy: Doanh thu thuần đạt trên 1.000 tỷ đồng; lợi nhuận gộp đạt trên 431 tỷ đồng; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 116 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thu nhập DN đạt trên 102 tỷ đồng. Năm 2018, OPC có tổng tài sản ngắn hạn trên 691 tỷ đồng, tổng tài sản gần 1.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt trên 627 tỷ đồng nợ phải trả là trên 563 tỷ đồng, nợ ngắn hạn khoảng 557 tỷ đồng… Cổ phiếu OPC có tỷ lệ tăng trưởng tài chính P/E = 13.31 lần; ROS = 10.20; ROEA = 16.52; ROAA = 8.79.
Các chỉ số này tuy không cao nhưng bù lại các nhà đầu tư sẽ nhận được chỉ số “an toàn” cao hơn các ngành khác như: Bất động sản, xây dựng, công nghệ viễn thông và chứng khoán.
Hiện nay, ngành dược Việt nam nói chung có nhiều lợi thế về hệ thống phân phối, chi nhánh và mối quan hệ với các cơ sở điều trị tại địa phương. Chi phí sản xuất thấp, cạnh tranh với các nước khác do tiêu chuẩn sản xuất thấp (GMP-WHO so với EU-GMP). Nguồn lao động giá rẻ, chi phí xây dựng cơ bản và vận hành thấp, hạ tầng giao thông thuận tiện, chi phí xử lý mỗi trường, cấp phép và ưu đãi thuế cạnh tranh. Con người, cơ sở vật chất và có lịch sử phát triển lâu đời. Mức tiêu thụ thuốc đầu người còn thấp so với khu vực và thế giới, dự kiến tăng trưởng lớn trong 40 - 50 năm tới.
Dân số bước vào giai đoạn già hóa, tỷ lệ người Việt Nam trên 65 tuổi chiếm đến 21% vào năm 2050. Tỷ lệ bệnh tật gia tăng nhanh ở nhóm ung thư, tim mạch. Quá trình tái cấu trúc đang diễn ra mạnh mẽ, dịch chuyển từ số lượng sang chất lượng. Một số DN đang mở rộng kinh doanh ra khu vực và thế giới. Hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, nguồn nguyên liệu phong phú. Tiếp thu, chuyển giao công nghệ hiện đại. Nhà nước hỗ trợ, mở rộng đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Chất lượng sản phẩm tốt.
Tuy nhiên, ngành dược vẫn tồn tại nhiều khó khăn căn bản như: Áp lực từ hội nhập quốc tế, mức độ tập trung DN cao, cùng khai thác một thị trường, phát triển nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch và phát triển dài hạn. Đa số doanh nghiệp vẫn theo tiêu chuẩn sản xuất WHO-GMP, tiêu chuẩn này đã khá lạc hậu. Năng lực R&D của DN còn yếu. Hầu hết các nguyên liệu phải nhập khẩu. Các quy định pháp lý còn lỏng lẻo. Các quy định pháp lý và năng lực của cơ quan quản lý không thay đổi kịp theo biến động của thị trường, hoặc chậm được nâng cấp, cải tiến. Thiếu nguồn lực tài chính và đặc biệt là chuyển giao công nghệ chậm...
Nhưng dù sao đi nữa thì dư địa phát triển của ngành dược phẩm, y tế, hóa chất vẫn còn rất nhiều. Điều quan trọng là các doanh nghiệp sẽ “chiếm lợi thế” cạnh tranh bằng cách nào mà thôi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần