Cổ phiếu hàng không: Khó “cất cánh” như kỳ vọng

Sông Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ lệ tăng trưởng của cổ phiếu hàng không (HK) đang ngược chiều với kỳ vọng của các doanh nghiệp (DN) nhóm ngành này. Theo thống kê, toàn bộ 11 mã cổ phiếu HK có trên thị trường đều có xu hướng giảm giá…

Giàu tiềm năng, sao lại “đỏ sàn”?
Cổ phiếu HVN (UPCOM - Tổng công ty hàng không Việt Nam) và ACV (UPCOM - Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam) dù giao dịch lạc quan nhất cũng chỉ có 11 và 12 phiên tăng giá, trong tổng số 20 phiên gần nhất. Còn lại nhiều loại cổ phiếu HK khác đều giảm nhiều hơn tăng giá trong các phiên giao dịch gần đây như: VJC (công ty cổ phần Hàng không VietJet), NCT (HOSE - Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội bài), NCS (UPCOM – Công ty cổ phần suất ăn Nội Bài), SAS (UPCOM - Công ty dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất)…
 Cổ phiếu hàng không 'cất cánh' như kỳ vọng
Tình trạng “lao dốc” thê thảm nhất phải kể đến là cổ phiếu ARM (HNX - Công ty xuất nhập khẩu hàng không). Tất cả 20 phiên giao dịch mới nhất, ARM đều giảm và đứng giá. Dù thị trường đi xuống nhưng theo đánh giá của các chuyên gia môi giới chứng khoán, cơ hội tăng trưởng của ngành HK trong năm 2019 vẫn rất lớn.
Đơn cử như cổ phiếu HVN, theo ước tính của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, tổng doanh thu năm 2018 đạt khoảng 102.000 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch doanh thu cả năm. Cổ phiếu VJC cũng được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2019, chủ yếu từ các tuyến quốc tế mới được thành lập, nhất là với thị trường Bắc Á. Thị phần nội địa của VJC dự kiến sẽ duy trì ổn định khoảng 42% khi những hãng mới có thể chưa có tác động đáng kể mặc dù thị trường nội địa dự kiến sẽ tiếp tục chậm lại.
Sự gia tăng mạnh về công suất đội tàu của các hãng hàng không trong nước và sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng giá rẻ trong khu vực như AirAsia, Cebu Airline… sẽ gây áp lực giảm đáng kể đối với giá vé của VJC và hệ số tải trong 2019. Tuy nhiên, VJC có thể bù vào doanh thu hành khách của mình bằng doanh thu từ các dịch vụ phụ trợ, khi đóng góp của mảng này vào doanh thu của VJC dự kiến sẽ tăng khi thực hiện các chuyến bay quốc tế dài hơn…
Nhìn vào các con số và dự báo của về HVN và VJC có thể thấy, cổ phiếu HK được giới đầu tư kỳ vọng phát triển mạnh trong năm 2019. Dù vậy, kết quả giao dịch cổ phiếu thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Trong giao dịch chứng khoán, khó có thể khẳng định việc cổ phiếu “lao dốc” là xấu hay tốt. Nhưng khi cổ phiếu HK “lao dốc” một cách “bầy đàn” trong các phiên giao dịch gần đây thì tâm lý lo sợ của nhà đầu tư cũng đang lớn dần.
Nguy cơ nằm trong cơ hội
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, số lượt khách di chuyển bằng máy bay trên toàn thế giới trong vòng 20 năm tới sẽ đạt 7,2 tỷ lượt, tức là tăng gần gấp 2 lần so với mức 3,8 tỷ lượt trong năm 2016. Trong đó, Việt Nam là một trong 5 thị trường có số lượt khách tăng trưởng nhanh nhất bên cạnh Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, và Indonesia…
Theo các chuyên gia, ngành HK ở nước ta đang có nhiều cơ hội phát triển nhờ vào sự hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ban ngành để thúc đẩy năng lực cạnh tranh. Các DN của ngành này cũng nhận thức rõ cơ hội, để vạch ra chiến lược kinh doanh đồng bộ trên các lĩnh vực hoạt động, đáp ứng được các chỉ tiêu về kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.
 Khách hàng đang làm thủ tục bay
Những năm qua, ngành HK không ngừng được mở rộng các đường bay mới, với qui mô toàn cầu. Chất lượng dịch vụ được nâng cao, đạt được trình độ chung của thế giới. Nhưng cơ hội phát triển sẽ biến thành nguy cơ, nếu các DN HK chưa lấp đầy các điểm yếu cố hữu từ trước đến nay.
Đó là thiếu vốn tích luỹ để tái đầu tư. Các dự án lớn đều phải phụ thuộc vào các nguồn vốn từ bên ngoài. Vốn từ ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu đầu tư của toàn ngành. Trong khi vốn đầu tư thiếu trầm trọng thì tốc độ giải ngân và hiệu quả sử dụng đồng vốn ở một số dự án lại chưa cao. Nhiều DN chưa có chính sách đầu tư mang tính dài hạn. Các hình thức thu hút các nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân và từ nước ngoài chưa được chú trọng khai thác.
Mô hình tổ chức còn một số bất cập: Thiếu định hướng chiến lược, biên chế cồng kềnh, không hiệu quả. Toàn ngành vẫn chưa có sự phân bổ hợp lý những cán bộ có năng lực (tại các cơ quan trung tâm thì thừa trong khi tại các đơn vị địa phương lại thiếu).
Vấn đề này dẫn đến khó khăn không chỉ ở việc gánh nặng chi phí quá lớn mà còn là việc số lực lượng lao động không được khai thác hết mức, nảy sinh các khó khăn như tinh thần làm việc kém, khó động viên làm việc tốt. Lực lượng lao động đông, không cần thiết làm cho việc hạ giá thành khó khăn, dẫn đến tính cạnh tranh không cao.
Từ nguồn vốn không đủ để mở rộng đội máy bay sở hữu, HK Việt Nam hiện đang khai thác 60% máy bay sở hữu và 40% là thuê nước ngoài theo mùa và theo hợp đồng. Nhìn tổng thể thì HK Việt Nam vẫn chưa chủ động được việc bố trí lịch bay theo mùa và hạn chế khả năng cung ứng tải do bị động trong việc thuê máy bay. Đó là chuyện lâu dài, còn trước mắt cổ phiếu HK muốn “cất cánh” như kỳ vọng thì các DN HK cần khắc phục các điểm yếu trong dịch vụ bay và hủy chuyến.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần